Ngay trận ra mắt trong màu áo đội "Tù nhân", Ronaldinho ghi năm bàn và sáu lần kiến tạo cho "đội nhà". Dưới bầu trời xanh thẳm ở Asuncion Paraguay, nụ cười của anh như đánh thức biết bao ký ức về một tài năng kiệt xuất. Dù thời gian có biến đổi không ngừng, nụ cười ấy vẫn nguyên vẹn như ngày anh khuynh đảo từ Madrid đến London.
Stamford Bridge ngày 8/3/2005, giữa vòng vây áo xanh đã bịt kín khung thành Petr Cech, bằng một cú lắc mông thật nhẹ như khiến Ricardo Carvalho cũng phải nhún nhảy theo, bất thình lình Ronaldinho tung cú sút không cần lấy đà đưa bóng găm thẳng vào góc hiểm. Cech như chết đứng vì chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, trong khi thế giới bóng đá chứng kiến một trong những kiệt tác về sự ngẫu hứng và sáng tạo, phá vỡ mọi nguyên tắc phòng ngự của bóng đá thế giới. Sau những Garrincha đến Rivelino của quá khứ, Ronaldinho là đại diện ưu tú nhất cho trường phái lãng mạn mà bóng đá Brazil từng giới thiệu. Anh mang trong người mọi phẩm chất để làm nên bản sắc Samba huyền thoại.
"Khi có bóng trong chân, bạn như được giải phóng", Ronaldinho từng nói về nguyên lý về cái đẹp trong lối chơi mà anh theo đuổi, bởi nếu không cởi trói về mặt tư tưởng, e là rất khó để người nghệ sĩ sáng tạo nên những tuyệt tác.
Khía cạnh phản ánh bản tính phóng túng của một "Malandro" truyền thống, hình tượng dân gian của Brazil về nhân vật sống qua ngày ở vỉa hè trong các khu ổ chuột bằng đủ ngón nghề. Chính nơi tưởng tối tăm đến tận cùng ấy đã tôi luyện nên những kỹ năng bóng đá độc nhất vô nhị cho một "Malandro" mà bạn chỉ thấy ở cầu thủ Brazil, những người tạo nên chuẩn mực chơi bóng cho cả thế giới, vốn biến sân cỏ thành sàn diễn nghệ thuật khi khai sinh ra những tuyệt kỹ như Flip Flap (Rivelino), xe đạp chổng ngược (Leonidas), đá phạt lá vàng rơi (Didi)...
Ronaldinho không là ngoại lệ, khi tuyệt chiêu "lườm rau, gắp thịt" của anh trở ác mộng với các hậu vệ. Nhờ sự khoáng đạt tư tưởng ấy, anh nhìn thấy những thứ mà người khác không thể. Bàn thắng vào lưới Chelsea là một ví dụ, bởi nếu là cầu thủ khác, có lẽ họ sẽ chọn cách chuyền ngược lại, nhưng Ronnie lại làm điều không ai ngờ nhất - sút bóng xuyên qua "bức tường" phòng ngự màu xanh.
Brazil không thiếu những nghệ sĩ sân cỏ, vì sao, Ronaldinho lại ở vị thế độc đáo như vậy? Nếu thắc mắc, bạn hãy nhìn vào so sánh giữa anh và Denilson - tài năng từng được đánh giá kiệt xuất chỉ sau Ronaldo, cầu thủ từng khiến Real Betis phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng thế giới vào năm 1998. Denilson cũng sở hữu kỹ thuật siêu phàm, nhưng vấn đề là anh không biết cách hợp lý hóa kỹ thuật của bản thân khi thay đổi môi trường, bởi các hậu vệ châu Âu vượt trội về độ mưu mẹo và tỉnh táo nếu phải so với ở Brazil.
Từ sự đẹp mắt ở quê nhà, Denilson sa vào rườm rà, bế tắc khi thi đấu ở La Liga. Ronaldinho thì khác. Anh biết lúc nào phải dùng động tác giả, lúc nào phải chuyền bóng, tất cả đều đến một cách hợp lý. Thế nên, thứ bóng đá anh trình diễn vừa đảm bảo sự phấn khích cho người xem, nhưng cũng luôn đáp ứng đủ yêu cầu về kỷ luật chiến thuật của HLV. Và cuộc phiêu lưu ở xứ Catalanonia đã lưu lại những ký ức hào hùng nhất về một huyền thoại bóng đá.
"Anh ấy đã thay đổi lịch sử của chúng tôi", khi một tượng đài như Xavi phát biểu như vậy đủ để bạn hình dung ra Ronaldinho có vị thế lớn thế nào với xứ Catalan. Nếu kỷ nguyên Lionel Messi đưa Barca lên đỉnh cao, thì huyền thoại Brazil chính là người kiến tạo nền tảng cho thành công đó. Anh, bản hợp đồng mà không nhiều culé nghĩ sẽ thành công đến thế, một tay giúp đội chủ sân Nou Camp định vị lại chỗ đứng của họ sau giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng.
"Nhờ có Beckham, ai cũng muốn dõi theo chúng tôi", một giám đốc của Real Madrid tự tin khi chiêu mộ David Beckham vào mùa hè 2003. Tiền vệ điển trai người Anh là lý do khiến Real Madrid từ chối mua Ronaldinho từ PSG, vì họ cho rằng anh không đủ độ hào nhoáng như Beckham. Và quyết định ấy của Real trở thành món quà từ Thượng Đế dành cho người hâm mộ Barca.
Trước khi Ronaldinho xuất hiện, CLB này chìm trong bóng đêm với khủng hoảng ở tầm vĩ mô. Sự ra đi của Luis Figo khiến Barca mất phương hướng trong các quyết định vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách Galacticos mà đối thủ Real áp dụng đầu những năm 2000. Họ ném tiền chiêu mộ ngôi sao, nhưng vấn đề là các tài năng ấy hoàn toàn không thích hợp với Nou Camp. Từ Marc Overmars đến Fabio Rochemback, từ Geovani đến Roman Riquelme, Saviola, tất cả đều thất bại trong sứ mệnh phục hưng Barca.
Kết thúc mùa giải 2002-2003, khi Real vô địch La Liga, Barca chỉ về thứ sáu - vị trí bị xem như sự sỉ nhục với tên tuổi lừng lẫy của CLB. Bước ngoặt đến vào mùa hè 2003 khi cuộc bầu cử sớm đưa Joan Laporta, luật sư trẻ tuổi ngồi vào ghế chủ tịch CLB, cùng với cánh tay phải Sandro Rosell. Cùng nhau, họ đã đưa Barca trở lại vị thế quyền lực nhờ những quyết định sáng suốt, trong đó Ronaldinho là cái tên tiêu biểu nhất.
Nhận chiếc áo số 10 và được định vị là át chủ bài của Nou Camp, Ronaldinho phát tiết rực rỡ dưới sự dẫn dắt của Frank Rijkaard, HLV khơi gợi cảm hứng chơi bóng hay nhất trong sự nghiệp của Ronnie. Cùng Deco, Samuel Eto’o, Ludovic Giuly và những sản phẩm La Masia xuất sắc, Barca trở lại vị thế xứng đáng của đội, mà đỉnh cao mà buổi tối huyền diệu 19/11/2005 ở Bernabeu. Nơi đó, Ronaldinho có hai pha solo ghi bàn đẹp đến nỗi làm tan chảy cả hận thù trăm năm giữa Barca và Real. Đám đông CĐV chủ nhà Real hôm đó đã phải đứng dậy vỗ tay tán thưởng - điều vốn chỉ xuất hiện đúng hai lần trong lịch sử El Clasico vốn chất ngất sự đối địch.
Thứ bóng đá mà Ronaldinho trình diễn không chỉ đi vào lòng người bởi cái đẹp, mà đẳng cấp của anh còn như cứu rỗi linh hồn Barca vốn bị đày đọa trong đêm tối. Những bàn thắng, pha kiến tạo và nụ cười của huyền thoại Brazil chính là biểu tượng cho ngày phục hưng của Nou Camp.
Nhưng di sản lớn nhất Ronaldinho để lại cho Barca không chỉ là những chiếc Cup. Anh còn trở thành cầu nối cho kỷ nguyên vĩ đại của Lionel Messi.
Năm 2008, sau khi lên nắm quyền, nhiệm vụ đầu tiên của Pep Guardiola là dọn dẹp sạch sẽ phòng thay đồ, tống khứ vài cái tên được xem là "kỳ đà cản mũi" như Deco, Ronaldinho. Một trong những lý giải cho hành động đó là "để bảo vệ Messi khỏi tiêm nhiễm những thói hư tật xấu ngoài sân cỏ của Ronaldinho". Đến giờ, quyết định của Guardiola vẫn là điều hay được nhắc tới khi nói về quan hệ giữa hai số 10 tài năng nhất lịch sử Barca, nhưng đó lại một bất công với danh thủ Brazil.
Nếu để lịch sử soi xét công bằng, phải chia Barca từ đầu thế kỷ 21 thành hai giai đoạn: trước và sau chức vô địch Champions League 2006. Điều ít ai để ý trong giai đoạn này là lúc Messi chập chững lên đội một Barca năm 2004. Nếu tài năng của Messi là hiển nhiên, thì thứ mà Ronaldinho kiến tạo chính là môi trường bóng đá hoàn hảo để đàn em phát tiết. Những ai theo dõi kỹ quá trình đi lên của Messi hẳn sẽ không quên sự đồng điệu mà Ronaldinho cùng Deco, Eto'o mang đến cho Messi, sẽ không quên sự bao bọc của danh thủ Brazil với đàn em, sẽ không quên bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp đỉnh cao của Messi đến từ pha kiến tạo của Ronaldinho.
Nếu đặt Messi vào bối cảnh hỗn loạn của năm 2001, với những Geovani, Rochemback... không ai dám chắc nội lực của Messi có thể được phát huy trọn vẹn trước sự rệu rã về chuyên môn và tinh thần như vậy. Javier Saviola - một thần đồng khác của bóng đá Argentina, nổi lên trước Messi độ nửa thập niên, đã chìm nghỉm trong đêm đen khủng hoảng tại Nou Camp, sau khi được Barca tuyển mộ từ River Plate hè 2001, với tư cách nhà vô địch U20 World Cup.
Được dẫn lối bởi sự phóng túng về tư tưởng, việc Ronaldinho sa sút sau những cuộc vui thâu đêm suốt sáng không phải là điều quá bất ngờ. Đó vẫn là thứ còn được kể lại nhiều như điển tích về một "Malandro" chính hiệu, vốn là mặt trái của sự ngẫu hứng trên sân cỏ. Ngày Ronaldinho rời Barca, nụ cười ấy được lịch sử lưu lại như tiền đề của những ngày tháng vĩ đại, người trình diễn thứ bóng đá vị nghệ thuật nhất ở Nou Camp. Và nếu có lời kết hay nhất về anh, đó hẳn phải là nhận xét của huyền thoại Tostao rằng: "Tài năng ấy hội tụ thứ khí chất chính hiệu Brazil nhưng hơn tất cả, anh kiến tạo cho bạn nụ cười".
Tuấn Vũ