Những ống lồ ô được dùng để chẻ lạt gói bánh, gói nem chả được đặc biệt bày bán vào ngày cận Tết. Tiếng gà, tiếng vịt huyên náo khu chợ. Hàng hóa bày bán tràn ngập khắp các lối đi. Sắc hoa rộn ràng, làm rực rỡ hẳn phiên chợ quê. Bình thường các chợ quê chỉ họp vào buổi sáng. Những ngày cận Tết, chợ họp cả ngày lẫn đêm. Buổi trưa muộn vẫn tấp nập người mua kẻ bán. Cụ bà ngoài 70 tuổi chăm chút cho hàng trầu cau của mình, những ngày sắp Tết cụ bán đắt hàng hơn hẳn. "Đứa con đầu đi làm trong miền Nam không về quê ăn Tết, vừa gửi ít tiền cho người hàng xóm đem về nên tôi mới tranh thủ sắm ít quần áo mới cho mấy đứa nhỏ", một người dân chia sẻ ở khu quần áo. Chợ Tết cũng là dịp để những người xa quê vừa mua sắm Tết cho gia đình vừa gặp gỡ lại người quen bạn bè sau một năm đi làm ăn xa, được trở về với những kỷ niệm tuổi thơ. Người mua kẻ bán chuyện trò hỏi han thân tình. "Chợ hoa tạm" mọc lên dọc hai bên đường vào ngôi chợ chính. Chủ những hàng hoa đa số là sinh viên, thanh niên tranh trủ mấy ngày Tết vừa về quê chơi vừa nhập hoa từ các thành phố như Đà Nẵng, Hội An về bán để kiếm thêm thu nhập. Trẻ nhỏ háo hức theo bố mẹ đi chợ. Bong bóng, đồ chơi là món hàng mà trẻ con thôn quê được "đặc biệt đáp ứng" vào dịp Tết. Manh chiếu mới, bó nhang đèn, dăm bánh mứt hạt dưa... cho ngày Tết được vẹn toàn. Hoa theo về đường quê vừa để chưng bàn thờ cúng ông bà, vừa để làm "vui cửa vui nhà" những ngày xuân. Lê Phương