![]() |
Những người hành hương chờ bên ngoài Quảng trường St Peter. |
Dân số Rome gần như tăng gấp đôi trong tuần. Ước tính khoảng 2 triệu người đã vào viếng Giáo hoàng trong 3 ngày vừa qua.
Các quan chức ở Rome yêu cầu những người hành hương ở lại trong các khu trại đặc biệt vùng ngoại ô thành phố và theo dõi lễ tang qua màn hình truyền trực tiếp. Nhưng nhiều người không tuân theo đề nghị này và ngủ ngay ngoài trời bên cạnh quảng trường St Peter, với hy vọng mình là người đầu tiên có mặt trong buổi lễ, khi những thanh chắn được dỡ xuống vào lúc bình minh.
Hàng trăm nghìn dân Ba Lan - quê hương của Giáo hoàng John Paul II – đang tới Rome. Tại Ba Lan, hầu như mọi người đều được nghỉ làm hôm nay. Các nhà hát, ngân hàng và siêu thị đóng cửa. Các fan của những đội bóng đá kình địch tuyên bố xoá bỏ mọi ân oán vì Giáo hoàng.
Đám tang sẽ kết hợp nhiều nghi lễ phức tạp. Các nhà tổ chức phải cân bằng giữa nhu cầu của đám đông công chúng muốn được càng ở gần buổi lễ càng tốt với việc đảm bảo an ninh cho các nguyên thủ quốc gia.
Trong số hơn 200 nhà lãnh đạo thế giới tham dự, có Tổng thống Mỹ Bush, Thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil - nước có cộng đồng Công giáo lớn nhất thế giới. Tổng thống Iran Mohammad Khatami và Thủ tướng Palestine Ahmed Korei - cả hai đều là người Hồi giáo – cũng dự lễ tang.
Rome kiểm soát nghiêm ngặt không phận thành phố và chuẩn bị cả tên lửa phòng không. Hàng nghìn binh lính và cảnh sát đã được triển khai. Hầu hết ôtô không được vào trung tâm thành phố.
Phụ trách tiến hành buổi lễ kéo dài 3 giờ đồng hồ là hồng y Joseph Ratzinger - đứng đầu Hồng y đoàn.
Sau lễ cầu siêu, Giáo hoàng sẽ được chôn cất trong hầm mộ bên dưới nhà thờ St Peter. Trên mộ ông sẽ chỉ có một phiến đá giản dị.
Di chúc của Giáo hoàng đã được công bố hôm qua. Theo đó, John Paul II từng cân nhắc thôi chức năm 2000, khi ngài 80 tuổi.
M.C. (theo BBC)