Một sớm mùa xuân vợ chồng chị Thảo, anh Hạ (cùng 35 tuổi) đặt ghế trước hiên, thong thả uống cà phê, vươn tầm mắt ra giàn sử quân tử nở đỏ góc nhà, ra cánh đồng trổ đòng thơm hương lúa. Anh Hạ chợt hỏi: "7, 8 năm trước có hình dung ra cảnh này không?".
Mắt nhắm, miệng nở nụ cười thay cho cách chị Thảo đáp lại chồng. Câu này anh đã hỏi hai năm qua, kể từ ngày họ cải tạo chuồng heo thành ngôi nhà ấm cúng. "Bởi vậy mới nói đi đâu không quan trọng, mà quan trọng đi cùng ai", chị thủng thỉnh đáp sau khi đọc được vài trang sách mới, còn anh đã bật máy tính làm việc.
Nơi sinh sống của gia đình ở Duy Xuyên, (Quảng Nam), cách Hội An chừng 15 km. Trước đây vốn là chuồng heo 3 gian, sau chuyển thành chuồng heo 2 gian và một gian chuồng gà, rồi nhà kho, chuồng chó... Sau bao lần chuyển đổi công năng, chuồng heo giờ thành tổ ấm của gia đình 5 người, có 2 phòng ngủ, làm việc, phòng chơi, nhà vệ sinh và một cái sân rộng.
Đôi vợ chồng gặp nhau từ thuở anh Hạ chân ướt chân ráo vào Sài Gòn luyện thi đại học. Họ cùng đỗ vào ngành mỹ thuật công nghiệp của Đại học Kiến trúc, đến khi ra trường thì cưới.
Vốn là người Sài Gòn, là con một, chị Thảo chưa bao giờ nghĩ sẽ về quê sinh sống. Tuy nhiên, anh Hạ không thích nhịp sống đô thị. Trong đầu anh luôn mong mỏi được sống ở quê nhà. Sau kết hôn, năm 2009, chị quyết định theo anh về quê lập nghiệp.
Toàn bộ tài sản những năm ở Sài Gòn họ gom hết dồn vào mở tiệm bán đĩa CD, song cả hai lần đều thất bại chóng vánh. "Chúng mình nợ ngập đầu. Đến tiền sữa cho con phải nhờ bà nội. Năm 2011 về Sài Gòn dự cưới bạn cả nhà phải đi tàu vé cứng. Mình ôm con gái cả hơn một tuổi ngủ dưới gầm ghế, một tay ôm bụng bầu 6 tháng", chị Thảo nhớ lại.
Đêm đó dài đằng đẵng. Xót vợ, xót con, anh Hạ tự nhủ sẽ không bao giờ để xảy ra cảnh này nữa.
Chuỗi ngày tiếp theo anh chị đèo nhau trên chiếc xe máy cũ của bà ngoại vào Hội An làm việc, mỗi ngày kiếm được 200 nghìn đồng đã thấy hạnh phúc. Tới năm 2013, hai vợ chồng quay trở lại với công việc thiết kế online. Dần dần họ có được nhiều khách hàng nước ngoài, thu nhập cao hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với áp lực công việc và thức khuya.
"Hơn 2 năm trời hai vợ chồng phải thức xuyên đêm cắm mặt vào máy tính, ban ngày mới ngủ. Nhiều lúc đọc báo biết ai đó bị đột quỵ vì thức khuya làm việc mình sợ lắm nhưng vẫn phải cố", chị Thảo nhớ lại.
Cày cuốc cật lực đến năm 2015 họ trả hết được nợ. Một năm sau thì mua được mảnh đất ở ven biển thuộc khu vực Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Cũng năm đó gia đình có thêm thành viên nữa. Thấy ba đứa nhỏ lít nhít, tiếng khóc, tiếng la hét khiến ba má lớn tuổi hay bị đau đầu, anh Hạ xin phép cải tạo chuồng heo để có không gian riêng cho tụi nhỏ chơi đùa.
Phần này cách nhà lớn vài mét, ngay sát ruộng. Chi phí cải tạo khoảng 60 triệu cho việc nâng nền nhà, làm ban công, cải tạo vách ngăn, làm nhà vệ sinh riêng, đóng la phông trần và sập bằng gỗ thông, còn hầu hết nội thất đều tái sử dụng.
Trong ngôi nhà mới, chị có những góc đặt đồ yêu thích, đó là chiếc máy may, là những hộp trà hay hộp cà phê nồng nàn. Nơi đó hai vợ chồng có không gian yên tĩnh làm việc, thư giãn. Những đứa trẻ tha hồ lăn lê, bò toài, được bày bừa và la hét. Đêm đêm khi con ngủ, đôi vợ chồng có thể ra hiên, bật một bản tình khúc, cùng uống trà, ngắm trăng.
Riêng anh Hạ gọi đây là "không gian chiếm hữu". "Bầu trời ráng mỡ gà lúc nhập nhoạng, cánh đồng lúa ngát xanh lúc sớm mai, trời đông xao xác trên cánh đồng trơ rơm rạ... những cảnh đó hoàn toàn chiếm lấy con người mình, làm mình choáng ngợp không thốt nên lời", anh Hạ nói. Ông bố ba con cũng cảm nhận thấy điều đó ở con út. Đó là cái bữa cậu bé 2 tuổi đu mình trên song sắt trước sân ngó bác lái máy cày hết cả sào ruộng mà không nhúc nhích.
Đến giờ chị Thảo thấy sống ở quê là một quyết định đúng đắn. Trong bán kính 20 km, nhà chị có rừng, núi, sông suối, biển cả, siêu thị hay bệnh viện đều rất tiện. Đôi vợ chồng tâm niệm sống vừa đủ, tìm vui từ những điều nhỏ nhặt và tôn trọng thiên nhiên quanh mình. "Không nhất thiết phải sở hữu. Có rất nhiều thứ miễn phí khiến bạn hạnh phúc mà không cần phải sở hữu như một hồ nước, khu rừng, bãi biển, bầu trời", chị Thảo nói. Đó cũng là điều các con chị đã cảm nhận, sau giai đoạn thích đi siêu thị thì giờ chúng thích được ra bờ suối nhặt đá, nhặt sỏi hơn.
Tròn 10 năm từ giã Sài Gòn về quê, có những lúc tưởng đường cùng nhưng hóa ra lại mở ra chân trời mới với vợ chồng chị Thảo. "Mọi thứ rồi sẽ thay đổi nhưng tụi mình vẫn luôn có niềm tin vào cuộc sống và luôn nghĩ cho nhau hết mức có thể", chị nói.
Mảnh đất họ mua lúc thoát nợ 4 năm trước giờ giá đã cao gấp 8 lần. Công việc tiến triển tốt và cuộc sống không còn nặng gánh cơm áo nữa. Ở quê ít phải chi tiêu, song phải lo các con học hành nên họ vẫn làm việc, với cường độ giảm hơn trước. Đôi vợ chồng mong muốn có thể nghỉ hưu ở tuổi 45.
Phan Dương