Ảnh: CNN. |
Sự rối loạn tình dục do thuốc khá đa dạng, từ không cương được đến cương kéo dài, gây đau đớn. Có thuốc làm cho nam giới không xuất tinh được hoặc xuất tinh ngược dòng (vào bàng quang). Đặc biệt có nhiều thuốc làm đàn ông ngực nở to như ngực phụ nữ.
Đối với nữ giới, thuốc khiến họ không đạt được cực cảm hoặc giảm sự trơn nhờn ở âm đạo.
Các tác dụng phụ trên là một trong những nguyên nhân làm cho người bệnh không tuân thủ điều trị, không chịu đi tái khám.
Có 3 nhóm thuốc dễ gây tình trạng bất lực:
Thuốc trị tăng huyết áp
Để trị tăng huyết áp, người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc lợi tiểu. Khoảng 5% người bệnh dùng hydrochlorothiazid, ethacrynic acid, furosemid bị bất lực; 20% người dùng thuốc spironolacton giảm ham muốn.
Trong một nghiên cứu, có đến 23% bệnh nhân nam sau khi dùng chlortalidon 6 tháng bị khó khăn trong sự cương.
Thuốc trị tăng huyết áp methyldopa làm giảm sự ham muốn tình dục ở cả hai phái, riêng với phái nam có thể gây bất lực, liều dùng càng cao thì tỷ lệ bị càng nhiều. Nếu liều dùng hằng ngày dưới 1 g, khoảng 10-15% bệnh nhân bị bất lực; liều dùng 1-1,5 g thì tỷ lệ bất lực là 20-25%. Nếu liều dùng hằng ngày lên đến 2 g thì có khoảng 50% không còn hoạt động tình dục bình thường.
Các thuốc trị tăng huyết áp khác như reserpin hydralazin, propanolol, clonidin, guanethidin cũng có thể gây bất lực ở một tỷ lệ nào đó. Riêng guanethidin còn được cho là có thể gây xuất tinh ngược dòng do không làm đóng cơ vòng niệu đạo phía trong.
Nhóm thuốc chẹn kênh canxi như nifedipin và diltiazem ít gây bất lực nhưng có thể gây chứng vú to ở đàn ông.
Thuốc trị rối loạn tâm thần
Haloperidon có thể gây bất lực với tỷ lệ 10-20%. Tỷ lệ này là 10-15% với thuốc chống trầm cảm loại ức chế MAO và 5% ở thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng như imipramin, amitriptylin.
Nhiều thuốc chống động kinh có thể làm giảm ham muốn tình dục do làm giảm lượng testosteron tự do trong máu.
Thuốc an thần giải lo âu
Các thuốc thuộc nhóm benzodiazepin như diazepam có thể gia tăng hoặc giảm thiểu sự ham muốn tình dục tùy theo liều. Nếu dùng liều cao thì có thể gây bất lực hoặc ảnh hưởng đến hoạt động tình dục.
Ngoài ra, thuốc trị viêm loét dạ dày - tá tràng cimetidin, thuốc hạ cholesterol máu clofibrat, thuốc trị suy tim digoxin, thuốc kháng histamin chống dị ứng diphenhydramin... đều có thể gây bất lực.
Có khá nhiều thuốc gây chứng vú to ở đàn ông như finasterid, flutamid, ketoconazol, omeprazol...
Thuốc papaverin tiêm vào thể hang dương vật để điều trị bất lực lại có nguy cơ làm dương vật cương kéo dài, đau đớn, tỷ lệ 17%. Sự cương này có thể kéo dài trên 3 giờ và phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Thuốc uống loại chống trầm cảm như trazodon được dùng trị yếu sinh lý đôi khi cũng gây cương đau dương vật.
Những tác dụng phụ kể trên không xảy ra ở tất cả những người dùng thuốc. Nguy cơ sẽ cao hơn ở người dùng bừa bãi.
Khi đang sử dụng một loại thuốc nào đó và thấy có rối loạn trong hoạt động tình dục, đừng vội nghĩ ngay là do thuốc mà có thể do tình trạng sức khỏe hoặc nguyên nhân nào khác. Nếu thực sự do thuốc, bác sĩ sẽ cho ngừng sử dụng thuốc đó và thay bằng một loại thuốc khác. Sẽ là người không khôn ngoan nếu trong trường hợp này, bệnh nhân âm thầm giấu giếm và tự ý bỏ điều trị. Cần đặt lợi ích của việc điều trị khỏi bệnh lên trên tất cả.
TS. Nguyễn Hữu Đức, Sức Khỏe & Đời Sống