Các nhà khoa học ở đại học Wisconsin-Madison đã tiến hành nghiên cứu trên 600 con khỉ rhesus để xem liệu rối loạn lo âu có khả năng di truyền. Họ đặt ra một tình huống khiến các nghiệm thể rơi vào tình trạng lo âu (tiếp xúc với các cá thể lạ mà không giao tiếp mắt) và quan sát ảnh não để xác định vùng não nào bị ảnh hưởng bởi cảm xúc lo sợ.
Trong quá trình làm việc, các nhà khoa học nhận thấy có sự gia tăng hoạt động ở vùng trán - hệ limbic - não giữa. Các phần não này kiểm soát các nguy cơ gây lo âu bẩm sinh có thể quan sát được từ thời thơ ấu.
Nghiên cứu chỉ ra rằng chính hoạt động của ba phần não trên, chứ không phải là kích thước của chúng, chịu trách nhiệm cho việc di truyền khí chất lo âu. Bộ gen có thể ảnh hưởng đến chức năng não và dẫn đến lo âu thời thơ ấu. Điều này sẽ làm tăng một cách đáng kể nguy cơ mắc các rối loạn lo âu và trầm cảm.
“Sự tăng hoạt động của ba vùng não này là kết quả của việc thừa hưởng những thay đổi về cấu trúc não. Sự thay đổi này liên quan trực tiếp với nguy cơ phát triển rối loạn lo âu và trầm cảm ở thế hệ sau”, bác sĩ Ned Kalin, tác giả chính, Chủ tịch hội Tâm thần học đại học Y tế và Sức khỏe Cộng đồng Washington cho biết. “Đây là một bước đi lớn trong việc tìm hiểu nền tảng thần kinh của rối loạn lo âu và bước đầu đem đến những mục tiêu cụ thể trong điều trị bệnh”.
Minh Trang (Theo hngn.com và news.wisc.edu)