Bệnh nhi có tiền sử sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024, gia đình phát hiện trên cơ thể em xuất hiện các vết bầm ở hai bên cánh tay. Dù đã đưa con đi khám ở nhiều nơi, thực hiện các xét nghiệm về rối loạn đông máu, bệnh lý tự miễn và viêm mạch, kết quả đều không phát hiện bất thường.
Cuối tháng 9/2024, bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Tại đây, bác sĩ ghi nhận các vết bầm không gồ lên bề mặt, có nhiều màu sắc khác nhau, phản ánh tổn thương ở nhiều giai đoạn. Một số vết bầm cũ đang tan dần, chuyển màu vàng - xanh, trong khi các vết mới vẫn còn đỏ tím. Đáng chú ý, các vết bầm chỉ xuất hiện sau khi bé ở một mình, như lúc đi học về hoặc sau khi ra khỏi nhà vệ sinh.
Ngoài ra, bác sĩ phát hiện móng tay của bé bị cùn mòn, gần rướm máu. Người thân cho biết em có thói quen cắn móng tay. Theo ThS.BS Phan Trúc, Phòng khám Huyết học - Di truyền và Bệnh hiếm, đây là dấu hiệu của rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Các vết bầm trên da và phần móng tay bị cắn cùn mòn của bé gái. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Bên cạnh đó, bác sĩ còn phát hiện bé bị thiếu sắt nghiêm trọng, nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng ăn bậy (Pica). Hội chứng này khiến người bệnh thèm hoặc ăn những thứ không phải thực phẩm, trong đó có hành vi cắn móng tay. Thiếu sắt không chỉ gây suy dinh dưỡng mà còn liên quan đến nhiều rối loạn tâm thần như trầm cảm, tăng động, rối loạn lo âu và tự kỷ.
Bác sĩ Trúc giải thích: "Ban đầu, trẻ thiếu sắt dẫn đến cắn móng tay, có thể vì thèm cảm giác cứng của vị kim loại. Dần dần, hành vi này trở thành thói quen khó bỏ. Khi móng tay bị mòn, bé không còn cắn được nên chuyển sang cào cấu cơ thể".
Các vết bầm trên cơ thể bé được xác định là "tổn thương da nhân tạo" – tình trạng tổn thương do chính bệnh nhân gây ra. Đây có thể là cách giải tỏa cảm xúc trong những tình huống đau khổ hoặc biểu hiện của hành vi tìm kiếm sự chú ý.
Tổn thương da nhân tạo thường xuất hiện ở những vị trí dễ tiếp cận như mặt, bàn tay, cánh tay hoặc chân. Các vết thương không tiến triển dần mà xuất hiện đột ngột, thường sau một đêm, và bệnh nhân thường phủ nhận trách nhiệm về hành động của mình.
Việc điều trị tập trung vào giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây rối loạn hành vi. Trong những trường hợp phức tạp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc chống loạn thần hoặc thuốc chống trầm cảm, kết hợp với liệu pháp tâm lý. Quản lý lâu dài đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ, vì bệnh nhân dễ tái phát và có thể không tuân thủ điều trị.
Với trường hợp này, trẻ được điều trị kết hợp giữa hóa dược và liệu pháp tâm lý, đồng thời nhận sự giám sát chặt chẽ từ gia đình, nhà trường. Hiện tại, cảm xúc của bé đã ổn định, không còn hành vi bất thường.
Mỹ Ý