Ngủ là một nhu cầu sống còn đối với cơ thể. Giấc ngủ chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người. Trong khi ngủ cơ thể tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày, quá trình tăng trưởng cơ thể. Điều này giúp não bộ sắp xếp lại những thông tin một cách hệ thống, thiết lập, củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn, cần thiết để cho cơ thể phát triển, thích nghi với môi trường sống.
Trong Covid-19, mỗi ngày tiếp xúc rất nhiều thông tin về tình hình dịch bệnh với những ca mắc, tử vong gia tăng, tin tức về những người thân quen nhiễm Covid-19... Thông tin có thể khiến chúng ta cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Nếu không tìm cách để vượt qua, bạn có thể mắc chứng rối loạn tâm thần, đặc biệt là rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa. Nhiều người phải làm việc từ xa, theo học các lớp học trực tuyến, điều này làm thay đổi lối sống.
Khi bị rối loạn giấc ngủ, chúng ta thường có những biểu hiện về chất lượng giấc ngủ, thời gian, khó đi vào giấc, trằn trọc không ngủ được, ngủ không sâu giấc, dễ tỉnh, không thể ngủ tiếp được. Bạn thường ngủ muộn, dậy sớm, mỗi đêm ngủ được rất ít, thậm chí thức trắng đêm. Khi ngủ thường gặp ác mộng hoặc mơ liên tục trong đêm, tỉnh giấc thấy mệt mỏi, không thoải mái.
Những gợi ý sau đây sẽ giúp duy trì giấc ngủ lành mạnh:
- Bất kể đó là ngày cuối tuần hay ngày trong tuần, hãy cố gắng duy trì thức giấc đúng giờ cho dù bạn đi ngủ vào những thời điểm khác nhau.
- Không đặt mục tiêu ngủ bao giờ là đủ. Mỗi người có nhu cầu thời gian ngủ khác nhau, đi ngủ ngay sau khi bạn cảm thấy buồn ngủ. Nếu bạn không cảm thấy buồn ngủ, hãy chờ đến khi có cảm giác đó xuất hiện, trong thời gian này tránh sử dụng điện thoại di động, các thiết bị.
- Nếu có ngủ trưa, nên thực hiện trước 3 giờ chiều, thời lượng nên dưới 30 phút.
- Tạo thói quen tắm nắng vào buổi sáng có thể giúp duy trì chu kỳ ngủ, thức đều đặn.
- Cố gắng tập thể dục vào ban ngày.
- Không uống rượu trước khi đi ngủ hoặc uống caffeine từ 3-4 giờ trước khi đi ngủ, vì những chất này sẽ giảm chất lượng giấc ngủ.
- Tạo cảm giác thoải mái trước khi đi ngủ bằng cách thư giãn hoặc thực hiện các phương pháp thư giãn của bạn (ví dụ: đi tắm, uống trà thảo mộc, nghe nhạc...).
- Trước khi chìm vào giấc ngủ, hãy tránh tiếp xúc với ánh sáng xanh từ điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, vì điều này sẽ làm giảm chất lượng giấc ngủ.
- Chuẩn bị một môi trường ngủ thoải mái, chọn gối, khăn trải giường và ánh sáng phù hợp với bạn. Ngoài ra, bạn nên điều chỉnh môi trường phòng ngủ, bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, âm thanh.
Nếu các khuyến nghị nêu trên không đủ để làm giảm các triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, bạn hãy đi khám sớm để được chẩn đoán, tư vấn, điều trị thích hợp. Một số trường hợp rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị, thuốc chống trầm cảm, thuốc có nguồn gốc dược liệu để giúp bệnh nhân có giấc ngủ trọn vẹn. Đặc biệt, melatonin là hormone trong cơ thể chịu trách nhiệm điều hòa nhịp sinh học thức, ngủ. Sử dụng melatonin sẽ giúp cơ thể đi vào trạng thái ngủ dễ dàng hơn.
Điều quan trọng khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ là phải tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đúng liều, đủ liều. Bạn không được tự ý sử dụng thuốc bừa bãi, không lạm dụng thuốc ngủ, thuốc an thần.
Việc phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe tâm thần rộng rãi cho người dân có ý nghĩa trong Covid-19, giúp giảm gánh nặng bệnh tật, cải thiện sức khỏe, tăng chất lượng sống cho người dân Việt Nam. Đây là mục tiêu của dự án "Chăm sóc sức khỏe Việt" phối hợp thực hiện giữa Davipharm và Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Bạn có thể truy cập vào Fanpage chương trình để có những thông tin hữu ích, hỗ trợ từ chuyên gia Fanpage.
Lê Nguyễn