Anh đập chết con rắn, chụp ảnh lại, rồi vào Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cấp cứu. Ngày 21/4, bác sĩ Nguyễn Thành Đô, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn dựa vào hình ảnh rắn và hình dạng vết thương, nhận định bệnh nhân bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn - loài rắn độc. Nọc độc rắn khiến vết thương sưng to, bầm tím, bệnh nhân rối loạn đông máu nặng.
Các bác sĩ truyền máu cấp cứu, dùng huyết thanh kháng nọc độc rắn lục. Sau 3 ngày, tình trạng bệnh nhân cải thiện, tiếp tục điều trị.
Từ cuối tháng 3 đến nay, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị rắn độc cắn. Như một cụ bà 78 tuổi, ra vườn thò tay vào vết nứt lạ, bị rắn hổ mang bành cắn ngón tay. Vết cắn bị hoại tử, bầm tím, sưng tấy lan rộng cánh tay.
Theo các bác sĩ, thời tiết miền Bắc nồm, ẩm là điều kiện lý tưởng để rắn sinh sôi, đặc biệt là rắn độc. Nọc rắn có thể khiến bệnh nhân liệt cơ hô hấp, cơ hầu họng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp; nặng hơn thì rối loạn đông máu nặng, hoại tử, tiêu cơ, suy thận cấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nhiều trường hợp có di chứng nặng nề như nhiễm trùng, viêm cơ xương khớp kéo dài gây biến dạng, suy thận, suy thần kinh, thậm chí tử vong.
Sơ cứu nạn nhân bị rắn cắn bằng cách hạn chế cử động, bất động chi bị cắn bằng nẹp để làm chậm sự lây lan của nọc độc, sau đó tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo nhằm tránh gây chèn ép và làm sưng vết thương. Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý, hoặc bằng nước sạch, dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.
Điều chỉnh tư thế cho vùng bị rắn cắn nằm thấp hơn tim, sau đó đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất kèm theo xác con rắn hay chụp lại hình ảnh rắn cắn, mô tả loại rắn cắn.
Sơ cứu không đúng cách có thể dẫn tới hoại tử. Không nên tự ý chích rạch vết cắn, không hút nọc bằng miệng hay bôi các loại hóa chất như xăng, dầu, nước tẩy. Không bôi hay đắp thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Không cố đợi có triệu chứng nhiễm độc nọc rắn mới đến viện, làm chậm thời gian cấp cứu.
Thúy Quỳnh