Chúc Dung, robot Trung Quốc hoạt động trên bề mặt sao Hỏa từ tháng 5, sẽ thử nghiệm truyền dữ liệu cho tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), từ đó chuyển tiếp dữ liệu về Trái Đất, tới Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) để phân tích, ESA thông báo hôm 27/10.
Đây sẽ là những cuộc trao đổi "mù", vì Chúc Dung không thể nhìn thấy Mars Express, tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo sao Hỏa từ năm 2003, do tần số không tương thích. Đây cũng là cơ hội cho nhóm vận hành Mars Express thử nghiệm một phương pháp dự phòng để liên lạc với các robot sao Hỏa, được thiết kế hơn một thập kỷ trước nhưng chưa từng thử nghiệm trực tiếp trên quỹ đạo, ESA cho biết.
5 lần liên lạc dự kiến diễn ra ngày 7, 16, 18, 20 và 22/11, khi Mars Express bay qua phía trên đồng bằng Utopia Planitia, nơi Chúc Dung đang hoạt động. Mỗi lần liên lạc sẽ diễn ra trong khoảng 10 phút, thời gian do nhóm vận hành Chúc Dung lựa chọn.
Khi tàu vũ trụ ESA bay qua phía trên robot Trung Quốc, nó sẽ gửi tín hiệu "chào hỏi" để bắt đầu cuộc trao đổi. Chúc Dung sẽ không nhận được tín hiệu này vì hệ thống vô tuyến khác nhau, nhưng có thể gửi tín hiệu theo các khung thời gian định trước với tần số mà hệ thống vô tuyến của Mars Express có thể nhận.
Tàu vũ trụ là phương tiện truyền tín hiệu mạnh hơn nhiều nên có khả năng chuyển tiếp dữ liệu đến Trái Đất để các ăng-ten lớn của ESA thu nhận. Trung tâm của ESA ở Đức chuyển tiếp tín hiệu này đến cho nhóm vận hành Chúc Dung tại Trung Quốc.
Các thử nghiệm truyền tin sẽ bắt đầu tương đối chậm, chỉ 8 kB mỗi giây, sau đó tăng dần tới 128 kB mỗi giây. Toàn bộ quá trình truyền dữ liệu từ tàu vũ trụ đến Trái Đất mất khoảng hai tiếng.
Đến nay, Chúc Dung vẫn hoạt động cùng tàu Thiên Vấn 1, con tàu vốn đóng vai trò là trạm chuyển tiếp thông tin cho Chúc Dung. Tuy nhiên, CNSA đã trao đổi dữ liệu với ESA trong hành trình Thiên Vấn 1 bay đến sao Hỏa. Trung Quốc cũng muốn tăng cường hợp tác quốc tế trong các chương trình vũ trụ và châu Âu là một đối tác quan trọng.
"Trong nhiệm vụ Thiên Vấn 1, CNSA và 4 cơ quan vũ trụ nước ngoài, gồm ESA, Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES), Cơ quan Quốc gia về Hoạt động Vũ trụ Argentina (CONAE), Cơ quan Xúc tiến Nghiên cứu Áo (FFG), đã hợp tác sâu rộng. Khi lên kế hoạch cho những chương trình vũ trụ tiếp theo, dù là giai đoạn thứ tư của dự án thám hiểm Mặt Trăng, khám phá tiểu hành tinh hay trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế, chúng tôi luôn giữ thái độ cởi mở và hợp tác rộng rãi với các đối tác quốc tế", CNSA cho biết.
Thu Thảo (Theo SCMP)