Ngày 15/5/2022 đánh dấu một năm robot Chúc Dung đáp xuống sao Hỏa, trở thành robot đầu tiên của nước này hạ cánh ở hành tinh khác ngoài Trái Đất. Robot đáp xuống khu vực phía nam Utopia Planitia, một đồng bằng rộng lớn ở Bắc bán cầu sao Hỏa. Robot Chúc Dung nằm trong nhiệm vụ Thiên Vấn 1, nghĩa là "những câu hỏi tới thiên đường", bao gồm cả một trạm đổ bộ và một tàu quỹ đạo.
Ngày 22/5/2021 robot Chúc Dung rời khỏi trạm đổ bộ, bắt đầu lăn bánh trên bề mặt hành tinh đỏ. Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) công bố những bức ảnh đầu tiên do Chúc Dung chụp vào ngày 11/6 năm ngoái, khẳng định thành công của nhiệm vụ thám hiểm sao Hỏa đầu tiên của nước này.
Tính đến hôm 5/5/2022, tàu quỹ đạo Thiên Vấn 1 đã hoạt động 651 ngày ở khoảng cách 240 triệu km so với Trái Đất. Trong khi đó, Chúc Dung đã thám hiểm bề mặt hành tinh đỏ trong 347 ngày sao Hỏa, tương đương khoảng 356 ngày trên Trái Đất, đi được 1.921 m. Cả hai đều hoạt động bình thường, thu thập và gửi về Trái Đất khoảng 940 gigabyte dữ liệu quý giá, giúp các nhà khoa học Trung Quốc hiểu thêm về hành tinh xa xôi bí ẩn.
Sau khi hạ cánh, Chúc Dung di chuyển theo hướng nam và truyền dữ liệu về Trái Đất. Ngoài việc khám phá bề mặt sao Hỏa, nó còn đi qua nhiều địa hình phức tạp, phát hiện các khối đá, đụn cát và hố trũng, nhờ đó thu được một lượng lớn dữ liệu.
Ngày 15/8 năm ngoái, sau 90 ngày hoạt động trên sao Hỏa, tương đương 92 ngày Trái Đất, Chúc Dung thực hiện xong toàn bộ nhiệm vụ theo lịch trình. Vì vẫn trong trạng thái tốt, robot tiếp tục hoạt động dù đã hoàn thành kế hoạch 90 ngày. Chúc Dung cũng thực hiện thành công một thử nghiệm liên lạc chuyển tiếp quỹ đạo với tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) vào tháng 11 năm ngoái.
Từ dữ liệu do Chúc Dung thu thập, các nhà khoa học Trung Quốc tìm ra bằng chứng mới cho thấy nước từng tồn tại và có các khoáng chất ngậm nước trên sao Hỏa có thể khai thác cho nhiệm vụ với phi hành gia trong tương lai. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science Advances hôm 11/5, bổ sung dấu hiệu cho thấy nước lỏng có khả năng tồn tại trên hành tinh đỏ lâu hơn những gì giới khoa học từng nghĩ. Một nghiên cứu khác của Trung Quốc xuất bản trên tạp chí Nature Geoscience vào tháng 3 cũng chỉ ra, địa điểm mà Chúc Dung hạ cánh có thể đã chịu xói mòn do gió và nước.
Thu Thảo (Theo CGTN)