Trong một ngôi đền đã nhiều năm tuổi, làn khói hương bốc lên nghi ngút khi nhà sư quỳ trên nền đất và đọc kinh cầu nguyện. Khung cảnh giống như mọi đám tang khác ở Nhật Bản, ngoại trừ việc đây là buổi lễ dành cho đàn chó robot nhỏ xếp trên bàn thờ. Mỗi con được gắn kèm những tấm thẻ với thông tin về nơi xuất hiện hay gia đình sở hữu.
"Tôi tin rằng những người chủ cảm thấy chúng cũng có linh hồn, miễn là chúng sống cùng họ", Nobuyuki Narimatsu, người đứng đầu một công ty chuyên sửa chữa các thiết bị điện, cho hay.
Chúng là AIBO, loại robot giải trí đầu tiên trên thế giới phục vụ cho mục đích sử dụng trong nhà. AIBO mang trí tuệ nhân tạo (AI) và có thể phát triển đặc điểm riêng biệt.
Hãng Sony tung ra thế hệ AIBO đầu tiên từ tháng 6/1999, và bán được 3.000 sản phẩm chỉ trong vòng 20 phút, dù giá của nó lúc bấy giờ là 250.000 yen (hơn 2.000 USD). Trong nhiều năm sau đó, hơn 150.000 thiết bị đã được bán ra, từ phiên bản kim loại bạc đến những mẫu có mặt tròn giống như con thú con. Chó robot có cảm biến, camera và micro. Thế hệ cuối cùng thậm chí còn có thể nói chuyện.
Năm 2006, trong bối cảnh Sony gặp khó khăn, việc sản xuất AIBO bị ảnh hưởng và phải đối mặt với sức ép cạnh tranh khốc liệt từ nhiều đối thủ khác. Các loại AIBO đắt tiền hơn và có phần phù phiếm hơn bất đầu xuất hiện. "Phòng khám" dành cho AIBO dự kiến mở cửa vào tháng 3/2014, nhưng không thể thực hiện được.
Người bạn trong gia đình
Hideko Mori, 70 tuổi, nuôi AIBO trong vòng 8 năm. Bà rất thích những cuộc trò chuyện với robot và nghĩ rằng nó tiện lợi hơn nhiều so với việc nuôi một con chó nhỏ trong nhà.
"Nó không đòi ăn và cũng không đi vệ sinh. Trên thực tế, nó đi tiểu bằng cách nghiêng chân và tự tạo ra một âm thanh tương tự. Tôi không bao giờ nghĩ là cuộc sống của robot cũng có giới hạn", Mori nói.
Tháng 5/2014, con chó robot của Mori ngưng hoạt động. Bà từng gửi thư cho một nhân viên trước đây của Sony, thay mặt cho con chó robot và hỏi: "Có phải tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài chết như thế này hay không, vì tôi không thể đi lại được?"
Các kỹ sư đã giới thiệu Mori cho công ty A FUN, đơn vị từng thuê nhân viên của Sony trước đây và sửa lại AIBO cho bà trong hai tháng. "Tôi rất vui khi thấy nó khỏe mạnh trở lại và về nhà", bà kể.
Hiroshi Funabashi, người giám sát hoạt động sửa chữa tại A FUN, cho biết những người chủ của AIBO nghĩ rằng chúng cần một bác sĩ hơn là một kỹ sư. Trong căn nhà riêng của ông ở phía bắc thủ đô Tokyo, AIBO nằm rải rác khắp nơi, với những vấn đề thường được mô tả như "đau nhức khớp". Theo Funabashi, từ "sửa chữa" không phù hợp ở đây.
"Đối với những người nuôi AIBO, chúng không giống như thiết bị gia dụng. Họ nghĩ rằng robot là một thành viên trong gia đình", Funabashi cho hay. Công nghệ sửa chữa không thể cải thiện chức năng của những robot đã nhiều tuổi, nhưng có thể giúp chúng "khỏe mạnh" hơn.
Tuy nhiên, việc sửa chữa thường mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng vì thiếu phụ tùng thay thế. Hàng chục AIBO đang "nhập viện" và hơn 180 thiết bị khác còn trong danh sách chờ. Trong khi đó, nguồn cung cấp phụ tùng thay thế duy nhất là từ những robot đã ngừng hoạt động.
Bungen Oi, một nhà sư ở chùa Kofukuji, thuộc thành phố Isumi, cho biết buổi lễ dành cho AIBO trong tháng qua là dịp để linh hồn của robot "siêu thoát". Theo ông, đây là phương thức mà con người có thể áp dụng nhiều hơn trong những năm tới, khi các loại robot này ngày càng gắn bó hơn trong cuộc sống của con người.
Cuối năm nay, công ty Softbank dự định bắt đầu bán robot thông minh Pepper. Theo các nhà nghiên cứu, Pepper có giá 2.000 USD, không có tác dụng giúp việc nhà, nhưng có thể đọc cảm xúc và tương tác với con người.
"Tôi không biết liệu con người có thể có cảm tình đối với thế hệ robot mới trong vòng 5, 6 năm tới hay không. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta cần công nhận chúng không chỉ là các thiết bị điện thông thường", Funabashi nói.
Anh Hoàng (Theo AFP)