Bà Charlene Spangler đang sống tại một cơ sở chăm sóc người mất trí nhớ ở Oakland, California.
Trong thời gian đại dịch Covid-19, các sinh hoạt và bữa ăn tập thể không còn. Bà Spangler không được gặp con gái mình trong sáu tháng, chỉ nói chuyện qua gọi video 15 phút khi được các nhân viên sắp xếp. Tiến sĩ Linda Spangler cho biết: "Mẹ tôi đang ngày càng cô lập hơn trong phòng, bà nhớ về con chó cũ của gia đình".
Chú chó robot lông mượt và gắn cảm biến, có thể thở nhanh, sủa, vẫy đuôi, hoạt động mắt và cảm nhận nhịp tim khi ôm. Bà Spangler đặt tên cho nó là Dumbo.
Vài năm trước các thú cưng robot tương tự cũng xuất hiện ở những viện dưỡng lão Mỹ. Một công ty Nhật Bản phân phối hải cẩu robot có tên PARO vào năm 2009. Công ty Hasbro tung sản phẩm mèo robot ra thị trường, năm 2015.
Trong bối cảnh cô lập bởi đại dịch, nhà dưỡng lão và ngay cả người già sống một mình đều quan tâm các robot thú cưng này để làm bạn. Doanh số bán hàng tăng. CÁc tổ chức xã hội chi nhiều tiền để mua chúng.
Trước đại dịch, cuộc sống cô đơn và mất kết nối cộng đồng tác động đến sức khỏe tâm lý và thể chất của người già. Dịch bệnh ngăn cản người đến thăm, các sự kiện văn hóa, hoạt động tình nguyện tạm dừng, thậm chí không được mua sắm ở tạp hóa khiến người già không cảm nhận được sự động viên và thoải mái.
Cô lập đặc biệt đe dọa với người mắc bệnh sa sút trí tuệ, ít có khả năng nắm bắt các hoạt động online đa dạng và kết nối con người.
Laurie Orlov, nhà phân tích công nghiệp và sáng lập bản tin Aging and Health Technology Watch, nói: "Dịch bệnh đã tạo ra thế giới kỳ lạ, con người không thể tự do ôm nhau. Ý tưởng cưng nựng vật nuôi, một trải nghiệm xúc giác giúp vượt qua phần nào trở ngại".
Mức giá 6.120 USD của PARO (robot thú cưng từ Nhật Bản) được các bệnh viện, viện dưỡng lão, các cơ sở hỗ trợ sinh hoạt chấp nhận. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phân loại robot này thuộc thiết bị phản hồi sinh học, được dự án Medicare (chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ liên bang Mỹ trợ cấp cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe) trả phí mua và sử dụng robot như nhà trị liệu.
Tom Turner, Tổng giám đốc của PARO Robots Mỹ, cho biết kể từ khi đại dịch xảy ra "chúng tôi nhận thấy rất nhiều sự quan tâm". Công ty bán khoảng 50 con robot hải cẩu hàng năm và nay dự kiến sẽ tăng mạnh khi bảo hiểm mở rộng.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận lợi ích từ tương tác với robot PARO, mặc dù nghiên cứu đa phần nhỏ và ngắn hạn. Tại Texas và Kansas, 61 người già sa sút trí tuệ được theo dõi khi ôm PARO 20 phút, ba lần một tuần trong ba tháng. Căng thẳng và mệt mỏi giảm đi, họ dùng ít thuốc giảm đau hơn, đồng thời giảm các vấn đề hành vi.
Front Porch, một nhà hỗ trợ dịch vụ sinh hoạt người cao tuổi phi lợi nhuận, đã mua nhiều PARO năm 2015 và theo dõi khoảng 900 cuộc khảo sát tương tác. Trong hơn 6 tháng, các nhân viên báo cáo rằng robot giúp người già bình tĩnh hơn, tăng hành vi xã hội, cải thiện cảm xúc và cảm giác ngon miệng.
Nghiên cứu lớn nhất từ United HealthCare và AARP, phân phối miễn phí robot Joy for All cho 271 người già sống một mình, và đánh giá họ qua bảng câu hỏi. Tiến vĩ Charlotte Yeh giám đốc y khoa Công ty con của AARP và là đồng chủ nhiệm đề tài cho biết "có sự cải thiện về tâm lý, có động lực sống và lạc quan" vào ngày thứ 30 và 60.
Robot nhận được nhiều quan tâm từ thương hiệu Joy for All của công ty Ageless Innovation nằm dưới quyền công ty Hasbro, các nhà bán lẻ như Walmart và Best Buy, với giá khoảng 120 USD. Công ty Angless Innovation đã giảm giá robot đối với người cao tuổi.
Becky Preve, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Người cao tuổi ở New York, cho biết bang New York đặt mua 1.100 robot. Bang Florida mua 375 robot thú cưng, sau khi nhiều nghiên cứu ghi nhận giảm sự cô đơn ở người già.
Công ty Ageless Innovation cho biết tổng cộng 6.000 con robot được hàng chục bang đặt hàng. Tuy nhiên đó chỉ là số nhỏ nếu chương trình Medicare Advantage cho phép các công ty bảo hiểm tư nhân chi trả cho thú cưng robot. Ted Fischer, Giám đốc điều hành của Ageless Innovation cho biết "chúng tôi đang trao đổi với các tổ chức Medicare Advantage".
Tuy nhiên Sherry Turkle, nhà tâm lý học tại Viện Khoa học Massachusetts phản đối, cho rằng robot không có tình cảm với con người, trong khi tình bạn cần mối quan hệ hai bên. Hơn nữa, cách người già phản ứng không thể dự đoán.
Emily J.White, chuyên viên tư vấn công tác xã hội ở Sunnyvale, California, ngạc nhiên khi thấy người mẹ 96 tuổi bị sa sút trí tuệ và trầm cảm, bỏ ăn lâu ngày. Bà yêu thích con mèo robot Joy for All và muốn nó ăn một miếng bánh.
Bà Charlene Spangler có thể cảm nhận nhịp tim đập của chú chó robot, "chúng dường như có tương tác". Tuy nhiên, người chăm sóc bà phải nhiều lần nhắc về sự tồn tại của con chó robot và nhắc bà cưng nựng, trò chuyện.
Tiến sĩ Linda Spangler nói: "Tôi không chắc về hiệu quả, nhưng 120 USD đáng để thử với mẹ tôi".
Nguyễn Ngọc (Theo NY Times)