Các bức ảnh được Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) công bố hôm 21/1 cho thấy vệt bánh xe do robot tự hành để lại, cùng một số tảng đá và hố va chạm nhỏ trên bề mặt Mặt Trăng. Chúng được chụp sau khi robot Thỏ Ngọc 2 và tàu đổ bộ Hằng Nga 4 lần lượt "thức giấc" từ chế độ không hoạt động vào ngày 15 và 16/1, đánh dấu ngày làm việc thứ 51 (ngày Mặt Trăng) của cả hai.
Thỏ Ngọc 2 được cấp năng lượng nhờ các tấm pin mặt trời và do đó chỉ thức giấc khi Mặt Trời mọc khoảng 15 độ và cần nghỉ ngơi nếu mọc lên trên 30 độ, vì khi đó nhiệt độ quá cao khiến robot không thể hoạt động, theo Li Chunlai, Phó giám đốc thiết kế giai đoạn ba của chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc.
Li cho biết thêm rằng một ngày và một đêm Mặt Trăng cộng lại là khoảng 28 ngày trên Trái Đất, trong đó robot tự hành dành khoảng 2/3 thời gian ở chế độ không hoạt động.
Trong 50 ngày làm việc trước đó, Thỏ Ngọc 2 đã di chuyển tổng cộng gần 1.455,2 m. Hiện tại, robot nằm ở hướng tây-bắc của bãi đáp, cách tàu đổ bộ Hằng Nga 4 theo đường thẳng 865,1 m.
Thỏ Ngọc 2 ban đầu được thiết kế để tồn tại trong ba tháng, nhưng đến nay đã hoạt động được hơn 4 năm và gửi về hơn 940,1 gigabyte dữ liệu khoa học. Trạng thái của các thiết bị khoa học trên robot vẫn bình thường, biến nó trở thành robot thám hiểm Mặt Trăng tồn tại lâu nhất và là robot tự hành đầu tiên đi qua nửa không nhìn thấy của Mặt Trăng.
Đoàn Dương (Theo CGTN)