Diễn ra vào chiều ngày 9/1 tại TP HCM, Tech Talk là điểm mới rất được mong chờ trong Tech Awards 2018. Đây là hội thảo công nghệ đầu tiên trong khuôn khổ chương trình bình chọn sản phẩm công nghệ xuất sắc do báo VnExpress tổ chức thường niên từ 2012, thu hút hàng trăm khán giả tham gia.
Hội thảo có chủ đề "Smart Tech for Smart Living - Công nghệ thông minh cho cuộc sống thông minh", gồm 6 chủ đề từ các chuyên gia công nghệ nổi bật và uy tín trong nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, trợ lý robot, blockchain, siêu ứng dụng, camera, nhà thông minh.
Công nghệ đang phát triển với tốc độ vô cùng nhanh và ngày càng đi sâu vào cuộc sống con người. Một trong những biểu hiện là sự phát triển của điện thoại thông minh, với 40 triệu thiết bị đang được dùng tại Việt Nam và chỉ riêng trong 2017 các hãng đã bán ra 15 triệu máy. Trên thế giới, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, Internet vạn vật... đang được ứng dụng vào các thiết bị phục vụ cho đời sống thường ngày.
Xuyên suốt hội thảo Tech Talk, các chuyên gia công nghệ hàng đầu và uy tín trong nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, trợ lý robot, blockchain, siêu ứng dụng, camera, nhà thông minh... đã chia sẻ loạt chủ đề nổi bật về công nghệ năm 2018, xu hướng phát triển trong năm 2019.
Ông Vũ Thanh Thắng - Phó Chủ tịch Bkav mở đầu hội thảo bằng tham luận chủ đề "Từ căn nhà thông minh đến cuộc sống thông minh". Những tính năng quan trọng của một ngôi nhà tự động, bao gồm tự động báo thức, mở rèm, kiểm soát nhiệt độ, lựa chọn trang phục phù hợp thời tiết. Căn nhà còn có thể tự động đóng tắt các thiết bị trong nhà. Đặc biệt còn có tính năng đảm bảo an ninh 24/7, báo động trực tiếp đến thiết bị di động của người dùng khi có kẻ gian đột nhập.
"Các thiết bị trong nhà cũng dễ dàng được kiểm soát thông qua thiết bị di động. Các thiết bị giải trí tự động kích hoạt theo lịch trình đặt trước. Nhà thông minh giúp tiết kiệm điện năng và bảo vệ sức khỏe tối ưu", ông Thắng nói.
Sau khi có smarthome, building thì có smartcity. Thành phố thông minh sẽ có Chính phủ thông minh, giảm tương tác với người dân, thực hiện tất cả qua Internet. Nó giúp mọi công việc hành chính như làm giấy khai sinh đều làm qua Internet. Tất cả đo lường kinh tế đều thông minh. Môi trường thông minh như nhà máy, rác thải đều có hệ thống AI. Bước tiếp theo là con người thông minh, giáo dục đào tạo từ xa, công nghệ AR, VR. Không chỉ có vậy còn có giao thông thông minh, biết lưu lượng trên đường, hệ thống đèn, nhận biết nơi nào tắc đường... dựa trên nền tảng AI.
Diễn giả Nguyễn Minh Thảo - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Umbala Network trình bày tham luận "Nền kinh tế eye vision computing 4.0", xây dựng những ứng dụng liên quan đến nền tảng trực tuyến cho camera.
Ông Thảo nhìn nhận công nghệ eye vision sẽ phổ biến trên toàn cầu trong tương lai gần. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam phát triển thị trường này với số đông người dân sở hữu smartphone, cơ cấu dân số trẻ.
Còn Tiến sĩ Đặng Hoàng Vũ - Giám đốc khoa học tập đoàn FPT mạnh dạn dự báo 2019 sẽ là năm "bình dân hóa AI" bởi nó đã bùng nổ trên cả thế giới và dần phổ biến trong mọi lĩnh vực. AI đang thay đổi diện mạo của thế giới với nhiều ứng dụng trong tất cả lĩnh vực.
AI sẽ ứng dụng tốt trong kinh doanh, kỹ thuật, xã hội... Cụ thể như ngành phân tích dự đoán rất phổ biến trong video, bài hát... Ví dụ trong hệ thống nhà máy điện đoán được khi nào có sự cố, nhu cầu điện tăng cao vào mùa nào để điều chỉnh máy móc. Tiếp theo là giảm chi phi, tăng hiệu năng hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay toán học kết hợp máy tính để tạo nên thành một nền tảng AI.
Để giải quyết một vấn đề nổi cộm là an toàn vệ sinh thực phẩm, Tiến sĩ Đào Hà Trung - Giám đốc công ty Te-Food phân tích chủ đề "Công nghệ blockchain từ nông trại đến bàn ăn" với ứng dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm của công nghệ chuỗi khối.
Hệ thống ghi nhận thông tin về một vật nuôi, bao gồm sức khỏe, cân nặng, ngày xuất chuồng, nhập kho, giết mổ... Sau đó sẽ được đóng mộc và đưa đến địa điểm bán lẻ, đeo vòng nhận diện. Phải có vòng nhận diện hợp lệ mới được vào chuỗi phân phối. Người tiêu dùng có thể quét mã bằng điện thoại để tìm hiểu nguồn gốc của sản phẩm.
"Mỗi tem, mỗi vòng nhận diện là duy nhất để giúp người dùng có thông tin chuẩn xác nhất về tình trạng, nguồn gốc của sản phẩm", ông Thắng nhấn mạnh.
Điểm nhấn của hội thảo là sự xuất hiện của đại diện Ohmnilabs Việt Nam giới thiệu robot Ohmni cùng chủ đề "Sống cùng trợ lý robot". Robot có giá cả phải chăng để tiếp cận thị trường, thân thiện, an toàn với con người, đáp ứng nhu cầu thiết thực trong đời sống hiện tại. Ohmni cho phép mọi người có thể kết nối và điều khiển, như các bạn đang thấy người đang kết nối là một đồng nghiệp, robot cho phép người dùng kết nối ở bất cứ đâu chỉ cần có Internet.
"Ứng dụng quan trọng nhất là kết nối gia đình. Có nghĩa là thời đại hiện nay, người trẻ thường tự lập khá sớm, sống tách khỏi gia đình và nhu cầu kết nối rất quan trọng. Họ mua con robot này để gửi về cho người thân ở xa, bất cứ lúc nào muốn trò chuyện thì kết nối, điều khiển đi vòng quanh nhà để tìm thấy và trò chuyện với người thân", đại diện Ohmnilabs Việt Nam nói.
Kết thúc hội thảo, đại diện Grab dự báo siêu ứng dụng (super app) sẽ là xu hướng công nghệ bùng nổ với sự tham gia của nhiều ông lớn trong cuộc chạy đua xây dựng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ phục vụ và giữ chân người dùng.
Việc phát triển siêu ứng dụng nhằm tạo ra một nền tảng rộng lớn để thay đổi cuộc sống của người tiêu dùng, tạo ra sự khác biệt, giúp cuộc sống thuận tiện hơn thông qua công nghệ và kết nối.
"Một tương lai sán lạn của nền kinh tế dựa trên công nghệ phải dựa trên sự hợp tác giữa nhiều doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy công nghệ phát triển, đặc biệt là những công nghệ trong thời đại 4.0", đại diện Grab kết luận.
Xem diễn biến chính