Công ty P2i của Anh chuyên cung cấp lớp phủ nano chống thấm nước cho thiết bị điện tử thường phải cử các kỹ sư của mình bay tới nhà máy của khách hàng để xác định và giải quyết các vấn đề kiểm soát chất lượng. Nhưng khi đại dịch diễn ra, công ty không thể làm được điều đó do đi lại bằng máy bay bị hạn chế, biên giới bị đóng cửa và an ninh thắt chặt. Vì vậy, P2i phải dựa vào một hệ thống sử dụng AI cho một số nhà máy của khách hàng để kiểm tra, phát hiện kịp thời các khiếm khuyết của sản phẩm.
Neal Harkrider, Giám đốc điều hành của P2i, cho biết, trong bốn tháng qua, kể từ khi đại dịch Covid 19 bùng phát, công ty đã phải đánh giá lại cách triển khai của mình trên toàn thế giới.
P2i đang sử dụng công nghệ AI được phát triển bởi công ty Instrumental của Mỹ. Công nghệ này dùng camera đặt xung quanh các máy phủ nano của P2i để kiểm tra smartphone sau khi được xử lý. Hệ thống sẽ phát cảnh báo bằng âm thanh nếu phát hiện lỗi sản phẩm.
"Hiện tại, hệ thống giám sát đó là phương pháp kiểm soát chất lượng chủ yếu của chúng tôi", Harkrider nói. Ông cũng cho biết, công ty có thể điều chỉnh sai số nhanh hơn nhiều so với trước đây mà không phải đến tận các nhà máy.
Đại dịch đã buộc nhiều nhà sản xuất phải suy nghĩ lại về cách thức hoạt động của mình. Ở một số nơi, cảm biến từ xa và hệ thống máy học được thay thế cho việc kiểm tra, đóng gói hàng hóa ban đêm và soát lỗi ở các sản phẩm thủ công. Robot có thể không bằng con người khi thực hiện các công việc đòi hỏi sự khéo léo, linh hoạt của đôi tay, nhưng các hệ thống như P2i đang sử dụng cho thấy AI giúp máy móc có vị thế như thế nào trong sản xuất.
Trước Covid-19, Harkrider nói, các công ty đều miễn cưỡng cho phép người ngoài tiếp cận thiết bị sản xuất của họ vì lý do bảo mật. Nhưng bây giờ, đã có 5 nhà máy cho phép P2i giám sát việc phủ lớp nano cho thiết bị từ xa.
Bruce Lawler, Giám đốc điều hành của chương trình "Máy móc thông minh cho sản xuất và vận hành", cho biết đại dịch xảy ra vào thời điểm các nhà sản xuất cũng đang hướng tới việc triển khai công nghệ giám sát tự động. Một trong những vấn đề lớn của quá trình sản xuất là không biết được lỗi kỹ thuật đã xảy ra ở khâu nào. Nếu có thể kiểm tra thường xuyên hơn, dùng robot gắn camera giám sát từng bước một của quá trình sản xuất, kỹ sư dễ dàng tìm ra nguyên nhân của các lỗi kỹ thuật. Ngoài ra khi sử dụng AI, các hệ thống kiểm tra có thể nhận biết một sản phẩm bình thường như thế nào, qua đó xác định những điểm bất thường tiềm ẩn lỗi.
Tại nhà máy sản xuất của Toyota ở Ấn Độ, việc kiểm soát chất lượng vô cùng quan trọng khi mỗi ngày nhà máy sản xuất hàng trăm chiếc xe. Việc đặt một linh kiện vào sai bảng điều khiển có thể khiến sản xuất bị đình trệ. Công nhân thường phải quét mã vạch trên mỗi linh kiện để kiểm tra xem có đúng vị trí không. Nhưng giờ đây, nhà máy đã chuẩn bị triển khai một hệ thống robot có khả năng di chuyển camera để kiểm tra quá trình lắp ráp. Mỗi linh kiện sẽ được robot quan sát từ nhiều góc độ khác nhau và sử dụng AI để nhận dạng trước khi phát tín hiệu cho phép lắp đặt.
Một sản phẩm được chú ý gần đây là robot kiểm tra của hãng Elementary Robotics, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Los Angeles. Thiết kế của robot khá đơn giản: chỉ gồm một camera di chuyển dọc ngang theo các thanh hình chữ H. Khi đặt một vật thể trước camera, robot sẽ xoay camera kiểm tra vật thể đó từ nhiều góc độ.
Gần đây công ty phát triển một phiên bản robot mới có khả năng kiểm tra hàng hoá của các công ty bán hàng online có bị hỏng khi đóng gói hay dán sai nhãn không và một phiên bản khác kiểm tra lỗi bảng mạch. Công nhân chỉ cần đưa sản phẩm ra trước camera của robot, thuật toán sẽ xác định xem chúng giống hình ảnh đã được học hay không và thông báo để sửa lỗi hoặc tiếp tục quy trình sản phẩm mới.
Robot của Elementary Robotics cho thấy cách công nhân và các hệ thống tự động làm việc cùng nhau thế nào trên một số dây chuyền sản xuất. "Ý tưởng về giải pháp bán tự động khi con người và robot cùng phối hợp sản xuất sẽ trở thành nền tảng quan trọng trong tương lai", vị giám đốc nói.
Nghĩa Lê (theo Wired)