Ảnh chụp bởi một trong những camera trên phương tiện tự hành Perseverance hé lộ lốc bụi xuất hiện từ xa, phía sau cánh tay robot. NASA chia sẻ hình ảnh lốc bụi nhưng không đưa ra ước tính về kích thước hay tốc độ của cơn lốc.
"Phát hiện một cơn lốc bụi. Bạn có thể trông thấy lốc bụi từ xa phía sau cánh tay robot trong bức ảnh đã qua xử lý này. Lốc bụi di chuyển từ phải sang trái, tạo thành gió xoáy cát bụi trên đường đi", đại diện nhiệm vụ Perseverance chia sẻ hôm 16/3.
Perseverance đáp xuống sao Hỏa hôm 18/2 và đã trải qua 25 ngày trên bề mặt hành tinh đỏ. Lốc bụi xuất hiện ở cả Trái Đất và sao Hỏa. Những cột khí xoay tròn này có thể quan sát được thông qua cát bụi mà chúng cuốn lên khỏi mặt đất. Trên Trái Đất, lốc bụi thường hình thành vào những ngày trời quang, khi mặt đất hấp thụ nhiều hơi nóng từ Mặt Trời. Trong điều kiện phù hợp, không khí nóng lên gần mặt đất có thể bắt đầu xoay tròn khi bốc lên qua những tầng khí lạnh hơn.
Sao Hỏa đang tiến gần tới củng điểm (khi hành tinh ở xa Mặt Trời nhất trên quỹ đạo), nhưng năng lượng Mặt Trời vẫn đủ mạnh để tạo ra lốc bụi. Trước đó, vào thời kỳ củng điểm năm 2012, tàu Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) từng quan sát một cơn lốc bụi khổng lồ cao 800 m và có đường kính 30 m. Thiết bị Thí nghiệm khoa học chụp ảnh độ phân giải cao (HiRISE) của MRO thậm chí bắt gặp hàng loạt cơn lốc bụi vào năm 2015.
An Khang (Theo Space)