Robot Curiosity của NASA ghi hình những đám mây trôi qua phía trên núi Sharp, nơi nó đang hoạt động trên sao Hỏa, để đo vận tốc. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng, Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA cho biết trong thông báo hôm 15/2, vì các camera của Curiosity không được thiết kế để hướng lên trời. Thay vào đó, chúng được chế tạo với mục đích quan sát những tảng đá và cảnh quan sao Hỏa trong hành trình tìm kiếm dấu vết cổ xưa về khả năng phù hợp cho sự sống.
"Mây sao Hỏa rất mờ trong khí quyển nên cần những kỹ thuật chụp đặc biệt để quan sát chúng. Nhiều bức ảnh được chụp để có thể mang lại một hình nền tĩnh và rõ ràng. Điều này giúp bất cứ thứ gì khác chuyển động trong khung hình, ví dụ như những đám mây hoặc bóng, trở nên dễ thấy sau khi loại trừ phần nền tĩnh này khỏi mỗi bức ảnh riêng lẻ", JPL giải thích.
Những đám mây và bóng của chúng dưới mặt đất được quay thành hai đoạn phim 8 khung hình hôm 12/12/2021, trong ngày sao Hỏa thứ 3.325 của nhiệm vụ Curiosity. Ngày sao Hỏa dài hơn một chút so với chu kỳ 24 tiếng ở Trái Đất.
Curiosity sử dụng camera điều hướng hai lần để kiểm tra các đám mây từ hai góc độ khác nhau, theo JPL. Hai góc nhìn cho phép các nhà khoa học tính toán vận tốc và độ cao của mây, từ đó thu thập thông tin về thành phần cấu tạo của chúng.
"Những đám mây này rất cao, cách mặt đất gần 80 km. Mức nhiệt ở độ cao đó cực kỳ lạnh. Điều này cho thấy những đám mây này cấu tạo từ băng CO2, khác với mây từ băng nước thường xuất hiện ở độ cao thấp hơn", JPL cho biết.
Thông báo của JPL không đề cập đến tốc độ di chuyển của những đám mây. Tuy nhiên, tốc độ gió gần bề mặt sao Hỏa thường là 7 - 35 km/h, đủ nhanh để tạo ra điện gió trên hành tinh này.
Thu Thảo (Theo Space)