Lốc bụi lớn nuốt chửng lốc bụi nhỏ trên sao Hỏa. Video: NASA
Những cột khí bụi xoáy và đôi khi cao chót vót này xuất hiện phổ biến trên hành tinh đỏ. Khi Perseverance chụp ảnh từ vị trí cách khoảng 1 km, cơn lốc bụi lớn hơn có đường kính khoảng 65 m, trong khi cơn lốc nhỏ hơn theo sau có đường kính khoảng 5 m. Ngoài ra còn có hai lốc bụi khác ở phía sau bên trái và gần trung tâm. Perseverance ghi hình cảnh tượng này trong lúc thám hiểm vành phía tây của hố trũng Jezero, tại một địa điểm mang tên Đồi Witch Hazel.
"Các cơn lốc đối lưu - hay lốc bụi - có thể khá quái ác. Những cơn lốc này lang thang trên bề mặt sao Hỏa, cuốn theo bụi trên đường đi và làm giảm tầm nhìn của khu vực xung quanh. Nếu hai lốc bụi gặp nhau, chúng có thể tiêu diệt lẫn nhau hoặc hợp nhất, cơn lốc mạnh hơn nuốt chửng cơn lốc yếu hơn", Mark Lemmon, nhà khoa học tại Viện Khoa học Không gian ở Boulder, Colorado, cho biết.
Lốc bụi hình thành từ cột không khí ấm đang bốc lên và xoay tròn. Không khí gần bề mặt hành tinh bị nung nóng do tiếp xúc với mặt đất ấm hơn và vươn lên xuyên qua lớp không khí mát hơn, đặc hơn phía trên. Khi một khối không khí khác di chuyển dọc theo bề mặt để thế chỗ cho không khí ấm đang bốc lên, nó bắt đầu xoay tròn. Khối không khí mới bốc lên thành cột, tăng tốc giống như vận động viên trượt băng đang xoay vòng và thu tay lại sát cơ thể. Không khí bốc lên cũng cuốn theo bụi, khiến lốc bụi xuất hiện.
"Lốc bụi đóng vai trò nổi bật trong các mô hình thời tiết trên sao Hỏa. Nghiên cứu lốc bụi quan trọng vì hiện tượng này chỉ ra các điều kiện khí quyển, ví dụ như tốc độ và hướng gió chủ đạo, đồng thời chịu trách nhiệm cho khoảng một nửa lượng bụi trong khí quyển sao Hỏa", Katie Stack Morgan, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Nam California, cho biết.
Ghi hình lốc bụi cần một chút may mắn. Các nhà khoa học không thể dự đoán khi nào lốc bụi sẽ xuất hiện, vì vậy, Perseverance thường xuyên theo dõi mọi hướng để tìm ra chúng. Khi thấy chúng xuất hiện nhiều hơn vào một thời điểm cụ thể trong ngày hoặc đến từ một hướng nhất định, họ sẽ tập trung theo dõi nhằm ghi hình thêm các cơn lốc xoáy.
"Nếu tiếc cho cơn lốc nhỏ trong video mới nhất của chúng tôi, có thể bạn sẽ thấy an ủi khi biết rằng thủ phạm lớn có khả năng cũng tiêu đời chỉ vài phút sau đó. Lốc bụi trên sao Hỏa chỉ tồn tại khoảng 10 phút", Lemmon nói.
Thu Thảo (Theo Phys)