Để tung ra cú đấm chí mạng, tôm tít tích tụ áp suất trong cơ bắp ở hai càng giống chiếc chày. Bên trong những thớ cơ của chúng là hai cấu trúc nhỏ mang tên phiến cứng. Phiến cứng hoạt động giống như chốt cài, ban đầu giữ cơ bắp lại, sau đó để cơ bắp giải phóng tất cả năng lượng lưu trữ cùng lúc. Kết quả là hai chiếc càng tung về phía trước nhanh hơn viên đạn rời khỏi nòng súng.
Tuy nhiên, trên thực tế, có một khoảng trễ ngắn giữa thời gian phiến cứng nhả cơ bắp ra và khi cặp càng vung tới. Để hiểu rõ hơn về điều này, nhóm nghiên cứu đứng đầu là giáo sư Robert Wood ở Đại học Harvard chế tạo một robot lớn cỡ con tôm nặng 1,5 g để tái dựng lại cơ chế tấn công của tôm tít.
Dù không thể sánh ngang tốc độ tung cú đấm của tôm tít, thiết bị có thể di chuyển nhanh hơn bất kỳ cỗ máy nào cùng kích cỡ. Cánh tay của robot đạt tốc độ 26 m/s. Ngoài ra, tương tự tôm tít, các nhà nghiên cứu nhận thấy khi bộ phận giống phiến cứng của robot nhả ra, cỗ máy không lập tức vung cánh tay về phía trước.
Thông qua phân tích chuyển động siêu chậm của cả tôm tít và robot, nhóm nghiên cứu kết luận sau khi phiến cứng nhả cơ bắp, chính cấu trúc cơ bắp đóng vai trò như chiếc chốt thứ hai. Sự sắp xếp như vậy giúp kiểm soát chuyển động của cặp càng. Quá trình này điều khiển việc giải phóng năng lượng đàn hồi lưu trữ, tăng cường sức mạnh cơ học của hệ thống, sinh viên cao học Emma Steinhardt giải thích. Thí nghiệm hé lộ cách các tổ chức sinh vật tăng tốc cực nhanh với cử động chớp nhoáng như cú đấm.
Wood và cộng sự hy vọng phát hiện mới về tôm tít có thể góp phần tăng thêm chức năng cho robot và nhiều thiết bị khác trong tương lai.
An Khang (Theo New Atlas)