Thứ hai, 11/11/2024
Thứ ba, 22/5/2018, 19:00 (GMT+7)

Robot hút bụi kiêm lau nhà không gây ồn, giá 13,5 triệu đồng

Deebot Ozmo 930 từ Trung Quốc tự lưu bản đồ, tự chia vùng và đặt "tường ảo" trong nhà bên cạnh khả năng lau và điều khiển từ mọi nơi.

Video dùng thử Deebot Ozmo 930
 
 

Video trải nghiệm Ecovacs Deebot Ozmo 930. 

Ecovacs Deebot Ozmo 930 là mẫu robot hút bụi kiêm lau nhà thông minh cạnh tranh trực tiếp với Xiaomi Roborock Sweep One. Cả hai cùng mức giá trên 10 triệu đồng (của Xiaomi là 11 triệu đồng còn của Ecovacs là 13,5 triệu đồng). So với Xiaomi, Ecovacs có thương hiệu lâu đời hơn trong thị trường robot hút bụi thông minh. Thương hiệu Deebot đã ra mắt từ năm 2007 còn Xiaomi bắt đầu làm robot hút bụi từ năm 2016. 

Deebot Ozmo 930 có thiết kế hình tròn giống iRobot, Haier thay vì kiểu nửa vuông, tròn như Neato Botvac. Máy cũng lược bỏ màn hình LCD phía trên để tiết kiệm chi phí do có thể điều khiển toàn bộ qua smartphone. Chỉ có đèn báo Wi-Fi, phím bật tắt và dải đèn LED báo trạng thái. Máy cũng có thiết kế tay cầm để xách thay vì phải bê bằng cả hai tay như các sản phẩm khác cùng phân cấp. 

Hệ thống quét laser Smart Navi cho phép lập bản đồ nhà để người dùng nhận biết máy đang ở vị trí nào hay quét từng vùng theo ý thích. Tuy nhiên, phần cảm biến này nhô cao khiến máy chỉ đi qua được gầm ghế, gầm tủ có chiều cao trên 10 cm. 

Phía trên bên trong là phím bật tắt vật lý, cổng USB để sạc nâng cấp firmware hay cài đặt lại khi sản phẩm bị lỗi. Deebot Ozmo 930 hoạt động khá yên tĩnh (độ ồn 65 dB ở chế độ Auto) nhưng một phần do công suất của máy ở mức trung bình, khoảng 1.000 Pa, so với 1.700 Pa của sản phẩm đến từ Xiaomi. Dù vậy, công suất này vẫn đủ để làm sạch bụi, tóc, các rác thảo có cỡ nhỏ. 

Hộp đựng rác có dung tích 470 ml, thiết kế thông minh, có nắp che tránh rơi rác khi người dùng mang đi đổ. 

Mặt dưới của sản phẩm với hai bánh xe di chuyển kiêm điều hướng. Phía chính giữa là chổi xoắn để hỗ trợ đưa rác vào bên trong. Máy có tới hai chổi quét hai bên trong khi các sản phẩm đối thủ từ Xiaomi, iRobot chỉ có một. Xung quanh là các cảm biến chống va chạm, chống rơi và tự ngừng hoạt động khi gặp vũng nước. 

Deebot Ozmo 930 sử dụng tiếp điểm chạm dưới để sạc, thiết kế này giúp máy đi thẳng về dock sạc mà không phải đi lùi như sản phẩm của Xiaomi thế hệ đầu tiên. 

Điểm đáng chú ý nhất chính là khay lau nhà của sản phẩm. Thiết kế dễ dàng tháo lắp mà không cần phải lật úp máy. Giẻ lau cũng có thể tháo ra để vệ sinh dễ dàng. Thử nghiệm sử dụng thực tế nếu đổ đầy khay nước, máy có thể dùng được trong khoảng 2 lần lau nhà ở chế độ Max (tiêu tốn nhiều nước nhất) với căn hộ diện tích khoảng 75 m2. 

Deebot Ozmo 930 có khả năng tự phát hiện thảm, tăng tốc độ hút cho phù hợp. Tuy nhiên, khay lau nhà đôi khi làm máy hoạt động khó khăn hơn với một số vật cản như dây điện dưới sàn. 

Phần mềm điều khiển của  Deebot Ozmo 930 khá thông minh. Ngoài các tính năng cơ bản như ra lệnh hút, trở về dock sạc, máy còn vẽ bản đồ nhà và tự động phân chia thành các vùng (như hình vẽ). Người dùng khi cần có thể dễ dàng ra lệnh chỉ hút, lau ở phòng ngủ, phòng khách... Ngoài ra, không giống như các sản phẩm của Neato, Xiaomi phải dùng băng vật lý để ngăn thành tường ảo, sản phẩm của Ecovacs có thể vẽ tường ảo trên bản đồ và máy sẽ tự hiểu để không đi vào trong các lần hút sau. 

Tuấn Hưng