Theo Live Science, robot đào sâu có tên RoboClam, được lấy cảm hứng thiết kế từ loài trai móng tay Đại Tây Dương (Ensis directus). Đây là một loài động vật thân mềm sống ở dọc bờ biển Đại Tây Dương của Bắc Mỹ, có khả năng đào sâu trong lớp đất bùn hay cát.
Hoạt động đào sâu của RoboClam mô phỏng cách thức loài động vật thân mềm này chui qua các lớp bùn đất trong môi trường sống của chúng. Khi di chuyển, những con trai thực hiện chuyển động mở và đóng hai mảnh vỏ liên tục. Chuyển động với tốc độ nhanh giúp chúng lún trong nước và biến lớp đất cát rắn xung quanh cơ thể thành lớp đất lỏng hơn, giống như cát lún, nhờ đó chúng có thể đào sâu hơn.
RoboClam có thể đào với tốc độ trung bình khoảng 1 cm/giây. Trong thí nghiệm, phiên bản nguyên mẫu của RoboClam đào được ở độ sâu tối đa là gần 20 cm. Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, cho biết mục tiêu nghiên cứu tiếp theo của họ là các thế hệ RoboClam có thể đào sâu hơn 10 m.
Với thiết kế này, RoboClam được hy vọng ứng dụng để hỗ trợ lắp đặt dây cáp ngầm hay đóng vai trò là bộ phận neo đậu các loại máy móc hoặc tàu thuyền dưới biển. Trong hoạt động quân sự, đây có thể là thiết bị giúp đưa thủy lôi hoặc các loại cảm biến xuống dưới nước.
Linh Anh