Một nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Bristol, Anh, cùng với các nhà nghiên cứu và kỹ sư người Ukraine, mạo hiểm thăm dò bên trong nhà máy hạt nhân Chernobyl để hoàn thành bản đồ phóng xạ. Robot chó của công ty Boston Dynamics cũng hộ tống họ trong chuyến đi để kiểm tra kỹ năng "đánh hơi" phóng xạ.
Mục tiêu chính của chuyến thăm dò là khám phá sâu hơn vai trò của robot tự động và bán tự động trong việc phát hiện phóng xạ trong môi trường và đánh giá rủi ro từ chất phóng xạ còn sót lại trong tàn tích của nhà máy điện. Một trong những cỗ máy đó là robot chó Spot nổi tiếng của Boston Dynamics với thiết bị cảm biến phóng xạ.
Các nhà nghiên cứu tham gia dự án kiểm tra phần lớn những khu vực an toàn của nhà máy điện hạt nhân, bao gồm phòng điều khiển lò phản ứng số 4, nơi khởi nguồn thảm họa. "Tiến vào bên trong phòng điều khiển của lò phản ứng gặp sự cố là một trải nghiệm căng thẳng nhưng không kém phần thú vị", giáo sư Tom Scott, trưởng nhóm chuyên gia đến từ Đại học Bristol, cho biết.
Vào ngày 26/4/1986, nhà máy điện Chernobyl trải qua sự cố hạt nhân lớn nhất trong lịch sử. Tai nạn xảy ra trong thử nghiệm an toàn với turbine hơi nước của một trong các lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, thí nghiệm vấp phải nhiều sai sót, được tổ chức bởi nhân sự chưa đào tạo bài bản và bỏ qua những biện pháp đề phòng an toàn quan trọng. Một chuỗi phản ứng hạt nhân không thể kiểm soát xảy ra, gây nổ và giải phóng lượng lớn phóng xạ vào không khí. Đến nay, chính phủ Ukraine vẫn đang tìm cách tháo dỡ nhà máy điện.
Do lượng phóng xạ có hại cao vẫn còn lưu lại ở khu vực, đội robot dọn dẹp có nhiều lợi thế dễ thấy. Hiện nay, quá trình tháo dỡ đã tiến vào giai đoạn mới nhằm chứng minh có thể sử dụng an toàn robot và hệ thống lập bản đồ phóng xạ tự động để xử lý dứt điểm nhà máy điện.
"Robot có thể giúp quá trình tháo dỡ trở nên nhanh, rẻ và an toàn hơn. Điều quan trọng là dữ liệu khoa học này sẽ cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch loại bỏ vật chất chứa nhiên liệu phóng xạ từ nhà máy, góp phần biến đổi Chernobyl và khu vực xung quanh thành môi trường trong sạch hơn", tiến sĩ Maxim Saveliev, nhà nghiên cứu ở Viện vấn đề an toàn nhà máy điện hạt nhân (ISPNPP) tại Ukraine, cho biết.
An Khang (Theo IFL Science)