Một báo cáo gần đây từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết do sự thúc đẩy của đại dịch, làn sóng tự động hóa tiếp theo sẽ diễn ra sớm hơn dự tính. Tới năm 2025, khoảng 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi làn sóng này. Việc làm mới vẫn sẽ được tạo ra, nhưng robot sẽ thay thế con người ở nhiều lĩnh vực.
Ngành khách sạn, vốn là một trong những mảng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, đã chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt trong xu hướng áp dụng công nghệ mới. Nhiều khách sạn đã lắp đặt các ki-ốt nhỏ cho phép khách tự làm thủ tục nhận phòng, triển khai một số ứng dụng trên điện thoại để điều khiển TV, đèn hoặc yêu cầu dịch vụ giao đồ tận phòng từ robot.
Ron Swidler, Giám đốc công nghệ tập đoàn Gettys - một công ty tư vấn thiết kế và phát triển khách sạn, cho biết ngày càng có nhiều khách sạn sẵn sàng thử nghiệm công nghệ mới trong thời kỳ đại dịch. Hiện Swidler đang làm nhiệm vụ tư vấn cho tổ chức Hotel of Tomorrow, một liên minh các khách sạn hàng đầu của Mỹ, với mục tiêu đổi mới ngành khách sạn trước bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Nhóm này đã đề xuất 5 giải pháp chính lấy công nghệ mới làm cốt lõi.
Swidler cho biết: "Chi phí tự động hóa đang ngày một giảm dần, chất lượng công nghệ cũng ngày một tốt hơn, do đó, chúng tôi muốn áp dụng giải pháp ở những nơi khác trên thế giới vào ngành khách sạn tại Mỹ". Ông đề cập tới khách sạn FlyZoo của Alibaba, nơi gần như hoạt động hoàn toàn bằng công nghệ, từ nhận phòng đến dịch vụ phòng.
Hiện vẫn chưa rõ liệu nhu cầu gia tăng đối với công nghệ mới có trực tiếp gây ra tình trạng thất nghiệp trong thời kỳ đại dịch hay không. Tuy nhiên, theo một tài liệu do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia công bố gần đây, những công việc có thể bị thay thế bằng công nghệ có khả năng biến mất cao hơn 4,2% so với các nghề ít gặp rủi ro bởi tự động hóa. Các nghề được coi là có thể tự động hóa gồm nhân viên tiếp tân khách sạn, tài xế và nhân viên bán lẻ.
Việc hàng trăm công nhân thu phí ở Pennsylvania bị sa thải là một ví dụ về cách công nghệ có thể dễ dàng "cuốn bay" việc làm của con người. Tháng 6 vừa qua, chính quyền Pennsylvania đã quyết định sa thải khoảng 500 nhân viên thu phí cầu đường của bang và chuyển sang thu phí bằng hệ thống điện tử.
"Chúng tôi hiểu sự an toàn của nhân viên là trọng nhất, nhưng đối với họ việc phải hy sinh công việc vì sự an toàn thật bất công", Jock Rowe, thành viên của Teamsters Local 77, công đoàn đại diện cho hơn 300 công nhân thu phí bị sa thải, cho biết.
Tác động của suy thoái với sự phát triển của tự động hóa đã được nhiều nhà kinh tế chứng minh. Cụ thể, tự động hóa có thể không phải một hiện tượng phát triển ổn định, mà xảy ra theo từng đợt. Các doanh nghiệp có nhiều khả năng tự động hóa hơn sau khi họ trải qua những cú sốc kinh tế, khi họ phải cắt giảm lao động trước sức ép tài chính.
Trong một nghiên cứu được công bố năm 2016, các nhà nghiên cứu từ Đại học Rochester đã tìm hiểu 87 triệu bài đăng việc làm trong khoảng thời gian trước và sau cuộc Đại suy thoái năm 2007. Họ nhận thấy rằng những chủ lao động ở các thành phố lớn thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái kinh tế, do đó họ có xu hướng thích thay thế công nhân bằng công nghệ và lao động lành nghề hơn. Một báo cáo khác của Century Foundation cho thấy số lượng robot được sử dụng đã tăng lên đáng kể vào năm 2009, ngay sau khi cuộc Đại suy thoái kết thúc.
Trong khi sự gia tăng tự động hóa có thể có lợi cho những người lao động có trình độ học vấn và giúp kích thích nền kinh tế, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng công nghệ mới sẽ khiến những người lao động phổ thông bị bỏ lại phía sau.
Daron Acemoglu, một nhà kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết: "Tự động hóa là động lực chính khiến gia tăng bất bình đẳng". Acemoglu là đồng tác giả của một nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy tự động hóa đang nới rộng "khoảng cách giàu nghèo" giữa các tầng lớp trong xã hội.
Người lao động phổ thông không chỉ dễ bị mất việc và giảm lượng do công nghệ, mà họ còn bị mất việc nhiều nhất trong đại dịch. Trong người lao động có mức lương cao thường có thể lựa chọn làm việc tại nhà, những lao động phục vụ lương thấp lại dễ bị sa thải hơn do các lệnh cách ly xã hội.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo vẫn chưa đủ thông minh để gây ra một làn sóng sa thải hàng loạt trong tương lai. Công nghệ AI hiện tại cần rất nhiều thời gian và nguồn lực để thực hiện, điều nhiều doanh nghiệp chưa có trong thời kỳ đại dịch.
"Ngay bây giờ, bạn chắc chắn không nên lo lắng về việc công việc của minh bị rơi vào tay một robot AI. Nếu bạn sắp mất việc vì tự động hóa, có lẽ nó sẽ là một số giải pháp đã ra đời được 10 hoặc 15 năm nay", Matt Beane, Phó giáo sư tại Đại học Quản lý Công nghệ Santa Barbara cho biết.
Acemoglu cho rằng, nếu xã hội có cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm đối với những tiến bộ công nghệ, AI có tiềm năng to lớn giúp con người làm việc năng suất hơn mà không thay thế con người.
Acemoglu nói: "Tôi không nghĩ tự động hóa sẽ là dấu chấm hết cho lao động con người. Chúng ta đã thực hiện tự động hóa quy mô lớn trong 30 năm qua. Đại dịch chỉ đang đẩy nhanh quá trình đó mà thôi".
Đăng Thiên (theo Guardian)