Các robot tự hành khác trên sao Hỏa như Perseverance và Curiosity của NASA đều trang bị bánh xe khổng lồ khiến phạm vi di chuyển bị giới hạn. Tuy nhiên, 4 chân của SpaceBok cho phép nó trèo trên địa hình gồ ghề và tìm kiếm dấu hiệu của sự sống.
Ban đầu, con robot được phát triển để dịch chuyển trên Mặt Trăng và lập trình để nhảy thay vì đi, nhưng các kỹ sư chế tạo SpaceBok thiết kế lại phương tiện để nó hoạt động trên sao Hỏa.
SpaceBok là thiết kế của nhóm nhà khoa học đến từ Đại học ETH Zurich ở Thụy Sĩ và Viện Max Planck ở Đức. Ban đầu, họ tạo ra con robot năm 2018 để mô phỏng chuyển động của linh dương springbok. Hiện nay, họ hướng tới mục tiêu hoạt động trong không gian và chỉnh sửa các chân của nó để trụ vững trên bề mặt khúc khuỷu. Những chỉnh sửa trên giúp loại bỏ bước đi nhún nhảy của SpaceBok, thay vào đó là chuyển động ổn định của mỗi chân.
"Chúng tôi muốn chứng minh những hệ thống hiện nay thực sự có thể đi trên bề mặt đất cát của sao Hỏa. Đây là một công nghệ có nhiều tiềm năng trong tương lai", nhà robot học Hendrik Kolvenbach của ETH Zurich cho biết.
Gần đây, các nhà nghiên cứu thử nghiệm SpaceBok trong phòng thí nghiệm chứa đầy đất đá mô phỏng bề mặt sao Hỏa. Con robot hoạt động với nhiều dáng đi khác nhau, với bàn chân nhỏ giống móng guốc và tròn phẳng có mỏ kẹp để tăng độ bán. Cả hai thiết kế đều giúp SpaceBok bước vững trên địa hình dốc 25 độ.
Nhóm nghiên cứu cũng trang bị cho SpaceBok thuật toán để theo dõi việc sử dụng năng lượng, xác định lộ trình hiệu quả nhất tùy theo nguồn năng lượng sẵn có. Ví dụ, khi trèo lên đồi trên đất sao Hỏa mô phỏng, con robot bắt đầu đi theo đường zigzag thay vì đi thẳng để tiết kiệm năng lượng.
Trong bài báo công bố trên trang dữ liệu arXiv, các nhà khoa học cho biết SpaceBok có thể leo đường dốc mô phỏng trên sao Hỏa mà không bị ngã. Sử dụng chân thay cho bánh xe có thể giúp tránh sự cố năm 2006 của Opportunity khi robot này mắc kẹt trên đất cát suốt 5 tuần.
Hiện nay, robot Perseverance và Curiosity của NASA cùng với Chúc Dung của Trung Quốc đều đang khám phá sao Hỏa. Tuy nhiên, cả ba phương tiện đều sử dụng những bánh xe lớn để đi lại xung quanh, dẫn tới hạn chế khả năng thám hiểm các khu vực và không thể di chuyển dễ dàng qua chướng ngại vật. Robot có chân có thể không thay thế hoàn toàn robot bánh xe nhưng sẽ đóng vai trò quan trọng và hữu ích trong nhiệm vụ.
An Khang (Theo Mail)