Một thách thức lớn khi dùng robot khám phá các hành tinh khác là duy trì hoạt động cho chúng trong khi không thể sửa chữa từ Trái Đất. Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm GRASP Lab thuộc Đại học Pennsylvania, trong đó có Devin Carroll và Mark Yim, đang phát triển mẫu robot băng có khả năng tự sửa chữa, Slash Gear hôm 7/1 đưa tin.
Chế tạo robot từ băng là việc vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia tin rằng băng tồn tại ở hầu hết các hành tinh và là vật liệu dồi dào. Một số bộ phận như pin hay các linh kiện điện tử không thể dùng băng. Tuy nhiên, vật liệu này có thể giúp chế tạo các bộ phận kết cấu của robot.
Việc dùng băng để chế tạo robot có ưu điểm lớn là dễ dàng điều chỉnh được bằng nhiệt, có thể cắt và điêu khắc. Băng cũng sẽ dễ dàng gắn vào nhau. Nhóm nhà khoa học xem xét nhiều phương pháp chế tạo các bộ phận kết cấu của robot từ băng với các thao tác bồi đắp và cắt gọt.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy cách hiệu quả và tiết kiệm năng lượng nhất để làm các bộ phận robot từ băng là dùng khoan. Tuy nhiên, họ gặp thách thức khi cần xử lý nước và vụn băng thải ra trong quá trình điêu khắc, ngăn chúng đông cứng lại ở những vị trí bất lợi.
Mẫu thử nghiệm đầu tiên mang tên IceBot nặng 6,3 kg, hướng đến mục tiêu khám phá Nam Cực. Robot này được chế tạo bằng tay. Nó giúp chứng minh robot băng có thể di chuyển và không lập tức vỡ vụn ở nhiệt độ phòng. Nhóm chuyên gia cho biết, họ vẫn cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu trước khi có thể tạo ra một robot biết tự sửa chữa, tái định hình và tái tạo.
Thu Thảo (Theo Slash Gear)