Ngày 21/10/2015 là một ngày đặc biệt với nhiều người yêu điện ảnh, bởi ngày đó từng xuất hiện trong tập phim Back to the Future 2 (1989), ghi dấu nhân vật Marty và giáo sư Brown đặt chân tới thế giới tương lai.
Hôm đó, khán giả trên toàn cầu đã chia sẻ nhiều hình ảnh về bộ phim nổi tiếng nhân dịp cột mốc nổi tiếng này trở thành quá khứ.
Ra đời từ thập niên 1980, sức sống của loạt phim Back to the Future vẫn mạnh mẽ đến ngày nay. Tuy nhiên, “cha đẻ” của phim – đạo diễn Robert Zemeckis – từng có quãng thời gian chật vật ở Hollywood.
Không cam chịu thất bại
Đỉnh cao sự nghiệp của Robert Zemeckis là năm 1994 với Forrest Gump - bộ phim đạt doanh thu 677 triệu USD và đem về sáu giải Oscar bao gồm cả “Phim hay nhất” và “Đạo diễn xuất sắc”. Zemeckis có phần nào đó giống với chàng ngốc Forrest do Tom Hanks thủ vai, khi cả hai đều bỏ ngoài tai những lời bàn tán của người đời và được tưởng thưởng xứng đáng với nỗ lực của bản thân.
Zemeckis chào đời tại Illinois năm 1952 trong một gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật. Tuổi thơ của ông gắn với màn hình TV và chiếc máy quay gia đình. Zemeckis bắt đầu đứng sau ống kính từ nhỏ khi tự mình ghi lại những khoảnh khắc gia đình, bạn bè tụ họp tại những bữa tiệc sinh nhật hay hội hè.
Sau khi xem bộ phim Bonnie and Clyde tại rạp cùng cha vào năm 1967, Zemeckis quyết tâm đăng ký vào trường điện ảnh để trở thành một đạo diễn. Cha mẹ ông lập tức phản đối giấc mơ của con trai và khuyên ông tìm một nghề nào đó thực tế hơn. Zemeckis hồi tưởng: “Ở thế giới của gia đình và bạn bè tôi, làm đạo diễn là một giấc mơ hoang đường nhưng tôi vẫn quyết phải theo đuổi giấc mơ ấy”.
Cha mẹ không phải là những người đầu tiên và duy nhất khiến Zemeckis cảm thấy con đường mình đang theo đuổi là quá chông gai. Khi đăng ký học khoa Nghệ thuật Điện ảnh thuộc Đại học Nam California (USC), hồ sơ của Zemeckis bị đánh trượt vì điểm số tại trường của ông quá thấp. Chỉ tới khi Zemeckis trực tiếp liên hệ với trường và hứa cải thiện điểm số bằng cách tham gia các lớp học hè, ông mới được ban giám hiệu chấp nhận.
Ngay cả khi đã trở thành một sinh viên tại USC, các giảng viên vẫn cố nhồi vào đầu Zemeckis thông điệp rằng điện ảnh là một môi trường đầy khó khăn. Trong khi đó, phần còn lại của USC thì nhìn vào khoa phim ảnh như “một đám hippie đem lại nỗi xấu hổ”. Ít ai ngờ rằng hơn hai thập niên sau, Robert Zemeckis trở thành một đạo diễn lừng danh toàn cầu và đóng góp 5 triệu USD để USC cải thiện cơ sở vật chất. Chính tại USC, Zemeckis đã quen và trở thành người bạn thân thiết của biên kịch Bob Gale. Cặp bài trùng thời đi học này nuôi chung hoài bão làm ra những bộ phim Hollywood giàu tính giải trí mà Walt Disney hay Clint Eastwood là hai đại diện tiêu biểu.
Gale là đồng tác giả kịch bản của ba phần Back to the Future cùng Robert Zemeckis nhưng bộ đôi này từng có những lúc ở vực sâu tuyệt vọng trước khi vươn được tới danh vọng. Đó là khi Zemeckis và Gale tốt nghiệp USC và bắt tay vào làm những bộ phim của riêng mình. Cả hai tác phẩm đầu tay của họ là I Wanna Hold Your Hand (1978) và Used Cars (1980) đều được giới chuyên môn nhận xét tốt nhưng lại thất bại thảm hại về doanh thu. “Viết ra những kịch bản ai cũng thấy hay nhưng khi thành phim thì không ai muốn xem” là lời chê bai dành cho đôi bạn vào thời gian ấy.
Sau khởi đầu không như ý, Zemeckis phải đi viết kịch bản phim cho những đạo diễn khác trong lúc chờ thời cơ. Ông đen đủi tới mức bị các nhà sản xuất tại hãng 20th Century Fox đuổi khỏi dự án Cocoon mà ông đã dành tới một năm đầu tư bởi họ tin rằng đó sẽ là thất bại thứ ba liên tiếp của Zemeckis tại phòng vé. Kịch bản do ông và Gale ấp ủ mang tên Back to the Future cũng bị tất cả các xưởng phim lớn tại Hollywood từ chối.
Cuối cùng, Zemeckis đã thuyết phục được hãng Amblin Entertainment đầu tư cho dự án này sau khi bộ phim Romancing the Stone (1984) của ông bất ngờ thành công. Back to the Future kể về anh chàng Marty McFly du hành ngược về quá khứ và gây ra nhiều tình huống hài hước oái oăm. Bộ phim do hãng Universal phát hành đã đạt doanh thu lên tới 389 triệu USD và là tác phẩm ăn khách nhất năm 1985. Không chỉ vậy, bộ phim còn nhận bốn đề cử Oscar và có thêm hai phần tiếp theo ăn khách không kém.
Nhà tiên phong công nghệ của Hollywood
Robert Zemeckis là đệ tử ruột của Steven Spielberg khi được nhà làm phim huyền thoại này dìu dắt những ngày mới vào nghề. Giống như người thầy, Zemeckis cũng ham tìm hiểu các xu hướng mới của công nghệ để áp dụng trong điện ảnh. Ông giống như một nhân vật đã đặt chân tới thế giới tương lai và quay lại quá khứ để áp dụng những công nghệ tân tiến. Các tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp Zemeckis đều khiến khán giả thích thú với cách sử dụng công nghệ.
Trong bộ phim nhận ba giải Oscar - Who Framed Roger Rabbit (1988), Zemeckis đã lồng ghép cho một viên thám tử do người thật đóng đi vào thế giới hoạt hình để điều tra một vụ án mạng. Trong tác phẩm kinh điển Forrest Gump (1994), ông khéo léo đưa các nhân vật có thật trong lịch sử như Tổng thống Nixon, danh ca John Lennon... vào trong phim và trò chuyện với Forrest.
Tới The Polar Express (2004), ông lại để tài tử Tom Hanks một mình đóng tới sáu vai hoạt hình thông qua công nghệ motion-capture (nắm bắt chuyển động). Các thiết bị điện tử đã được gắn lên người Tom Hanks để mô phỏng lại biểu cảm, cử động của siêu sao này và đưa chúng vào các nhân vật trong phim. Các bom tấn về sau như Avatar, The Avengers hay The Hobbit đã đi theo trào lưu sử dụng motion-capture mà Zemeckis là người đi tiên phong.
Bộ phim mới nhất của ông là The Walk, được dựa trên câu chuyện có thật về nỗ lực thực hiện chuyến đi không tưởng giữa hai tòa Tháp Đôi tại New York của nghệ sĩ Philippe Petit vào thập niên 1970. The Walk đã nhận được nhiều lời ngợi khen không chỉ bởi câu chuyện hấp dẫn mà còn với những hình ảnh 3D có độ sâu nuột nà và tính tương tác cao.
Khi ra mắt The Walk tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo ở Nhật Bản năm nay, Robert Zemeckis đã phát biểu: “Chừng nào tôi còn làm phim, tôi sẽ tiếp tục đưa những công nghệ mới lên màn ảnh rộng để khán giả có những trải nghiệm điện ảnh thật choáng ngợp”.
Trong phim, nhiều cảnh quay khi Petit đang đi thăng bằng trên dây đã khiến khán giả không kém phần nôn nao do mọi thứ quá chân thực. Điều này cho thấy dù đã bước sang tuổi 64, Robert Zemeckis vẫn không hề tụt hậu so với thời đại. Ông đam mê việc đưa công nghệ vào phim ảnh nhưng không lạm dụng chúng quá đà như đạo diễn Michael Bay mà sử dụng như một công cụ hữu ích bổ sung cho câu chuyện.
Nhà phê bình điện ảnh David Thomson từng nhận xét rằng: “Chẳng có đạo diễn đương thời nào có thể dùng kỹ xảo để dẫn chuyện tốt bằng Robert Zemeckis”.
Robert Zemeckis chào khán giả Việt Nam từ LHP Tokyo 2015 |
|
Thịnh Joey