Trao đổi với VnExpress về khả năng M&A, ông Hà Quang Tuấn - Chủ tịch Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk - HNM) khẳng định phía doanh nghiệp chưa có bất kỳ thông tin chính thức gì về thương vụ này. "Đây mới chỉ là những lời đồn trên báo chí nước ngoài, diễn đàn", ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước đó, trang Asian-agribiz dẫn lại lời một số chuyên gia chuyên theo dõi ngành cho rằng Tiga Pilar Sejahtera Food (Indonesia) đang tính toán việc mua cổ phần của Hanoimilk. Ông Sjambiri Lioe - Giám đốc tài chính Tigar Pilar cũng cho biết cuộc đàm phán với đối tác Việt Nam sẽ kết thúc trong thời gian ngắn tới. Động thái này của Tiga Pilar diễn ra sau khi công ty lên kế hoạch đầu tư 80 triệu USD để mua cổ phần trong các doanh nghiệp thực phẩm của Việt Nam, Malaysia trong năm nay. Các thông tin này cũng được các diễn đàn chuyên về chứng khoán tại Việt Nam dẫn lại và bàn luận sôi nổi.
Hanoimilk là doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội. Các nhà phân tích cho rằng sau khi mua lại công ty, Tiga Pilar sẽ phân phối sản phẩm tại thị trường Indonesia, dự kiến thu về 18,8-23,5 triệu USD lợi nhuận hàng năm. Indonesia hiện cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng 5% mỗi năm về nhu cầu sữa.
Đặc biệt, theo cơ cấu cổ đông của Tiga Pilar thì đây cũng không phải là cái tên xa lạ. Theo thông tin từ Reuters, năm 2014, quỹ đầu tư tư nhân KKR đã chi gần 55 triệu USD để mua thêm 10% cổ phần công ty này. Tại Việt Nam, KKR đã rót gần 350 triệu USD vào Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) - ông lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng để sở hữu 8,66% vốn điều lệ.
Với tiềm lực tài chính mạnh, Masan Consumer đang lên kế hoạch thâu tóm nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng khác. Sau các nước mắm, mì ăn liền, mới đây, Masan Consumer đã công bố mua lại 100% cổ phần của Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Sài Gòn (Saigon Nutri Food) - một doanh nghiệp chuyên về xúc xích và đồ hộp. Ông lớn này còn đặt vấn đề mua cổ phần của Công ty Thực phẩm Cholimex, song mới mua được 32,8%
Được thành lập năm 2001 và chính thức đi vào hoạt động năm 2003, Hanoimilk là một trong những doanh nghiệp sữa lớn của miền Bắc, chủ các thương hiệu IZZI, Yotuti, Sữa tươi Hanoimilk 100%. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình kinh doanh công ty có dấu hiệu đi xuống. Năm 2014, Hanoimilk lỗ gần 3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn vỏn vẹn 2,7 tỷ đồng.
Trong quá trình tái cơ cấu, năm 2013, thị trường cũng rộ lên tin Hanoimilk bị một doanh nghiệp lớn cùng ngành thâu tóm, khiến giá cổ phiếu tăng vọt nhiều phiên. Tuy nhiên, trả lời báo chí khi đó, Chủ tịch Hanoimilk cũng khẳng định chưa có bất kỳ tổ chức nào đặt vấn đề trực tiếp về chuyện này.
Hiện nay, nhóm cổ đông cá nhân gồm ông Hà Quang Tuấn, Lê Thế Hùng, bà Nguyễn Mai Phương và bà Vũ Thanh Vân nắm 50,9% cổ phần công ty, trong đó riêng ông Tuấn trong những ngày đầu năm đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 5% lên 21,9%.
Chốt phiên giao dịch hôm nay (16/3), giá cổ phiếu HNM tăng trần 10%, lên 15.500 đồng một đơn vị. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 661.800 cổ phiếu, gấp 9 lần mức bình quân 5 phiên gần nhất.
Phương Linh