Thanh Huyền -
Arthur Rimbaud sinh năm 1854 tại Charleville, là con trai của một sĩ quan quân đội Pháp. Bố ông thường xuyên vắng nhà nên Rimbaud chủ yếu lớn lên trong sự nuôi nấng và dạy dỗ của người mẹ nghiêm khắc và sùng đạo. Cuộc sống nặng nề lễ nghi của gia đình đã gieo vào lòng cậu bé Rimbaud mầm mống của sự nổi loạn và khát vọng về một cuộc sống tự do, giang hồ phiêu lãng. Đến tuổi 15, Rimbaud đã bỏ gia đình, lang thang, như một chú chim chưa đủ lông cánh lạc vào trong gió lạnh, nhờ gió cuốn đi từ nơi này đến nơi khác. Chính vì vậy, người đương thời gọi ông là kẻ mang "đôi chân có đế giày gió" hay "đứa con của mặt trời".
Paul Verlaine sinh năm 1844 tại Metz - thành phố phía Bắc nước Pháp, con trai của một sĩ quan công binh. Năm 14 tuổi, cậu bé đã đọc Những bông hoa Ác của Baudelaire và bắt đầu viết những bài thơ nhỏ. Năm 1851, gia đình ông chuyển đến Paris, tại đây, ông theo học trường Luật nhưng suốt ngày rượu chè bê tha và thường xuyên phải nhập viện trong tình trạng say xỉn. Dù có những biểu hiện đồng tính luyến ái nhưng năm 1870, ông vẫn kết hôn với Mathilde Mauté de Fleurville. Hôn nhân thực sự là một địa ngục với cả hai người. Vốn nghiện ngập, lại nóng nảy, thô lỗ, không ít lần nhà thơ đánh đập, hành hạ vợ, thậm chí, một lần, không hiểu do cố ý hay sơ suất, ông còn ném cả đứa con trai còn ẵm ngửa của mình vào chân tường.
Năm 1871, Rimbaud gửi những bài thơ đầu tiên của mình cho Verlaine (trong đó có cả bản thảo tập thơ nổi tiếng Con tàu say). Ấn tượng trước giọng thơ tài hoa và sáng tạo của tác giả trẻ (Verlaine hơn Rimbaud 10 tuổi), Verlaine đã viết thư mời Rimbaud đến nhà mình. Cuộc gặp gỡ thiên định này đã khởi đầu cho mối quan hệ đầy sóng gió, môt mối tình đẩy hai người đến chỗ bị xã hội xa lánh và khinh ghét.
![]() |
Chân dung Verlaine (trái) và Rimbaud. Ảnh: jacketmagazine |
Trong những ngày ở Paris, Rimbaud đã làm đảo lộn cuộc sống gia đình Verlaine. Người thân Verlaine không ai chịu nổi vị khách mời kiêu căng, ngạo mạn, cục cằn và thô lỗ hiện diện nghênh ngang trong nhà mình. Trước tình hình đó, Verlaine đành phải đưa ông bạn thơ của mình đến trú ngụ tại nhà của người khác. Nhưng giải pháp này xem ra càng trở nên tệ hại hơn khi tác giả của Tình yêu bỏ rơi vợ, suốt ngày say sưa với Rimbaud. Hai người chìm trong rượu, say sưa từ cơn này đến cơn khác. Những lúc say, Verlaine thường xuyên hành hạ, sỉ nhục vợ; nhưng tỉnh ra, ông ân hận và thề rằng, ông chỉ yêu có mỗi bà thôi.
Mối tình trai giữa hai thi nhân nổi tiếng rốt cuộc không thoát khỏi ánh mắt hiếu kỳ của dư luận. Không dễ dàng được chấp nhận, họ đã quyết định rời Paris, đến London tận hưởng cuộc sống như những người bạn đi du lịch cùng nhau. Sau gần 2 năm chịu đựng thói giận dỗi và những cơn nóng nảy vô cớ của Rimbaud, năm 1873, Verlaine bỏ rơi "bạn tình" ở London, một mình đến Brussels (Bỉ). Không một xu dính túi, Rimbaud đã viết hàng chục bức thư cầu xin Verlaine trở lại. Trong đó, có những câu ông viết: "Anh nghĩ là đi với người khác đời anh sẽ hạnh phúc hơn ư?", "Chỉ có sống cùng tôi, anh mới có được tự do thôi?".
Mùa hè năm 1873, hai người gặp nhau tại Brussels. Sau một trận tranh cãi gay gắt, Verlaine đã rút súng ra và chĩa vào Rimbaud. Vết đạn xuyên qua cổ tay Rimbaud. 2 năm tù giam là cái giá mà Verlaine phải trả cho hành động chấm dứt tranh cãi quá mạnh tay ấy. Trong những ngày tháng ngồi tù, Verlaine đã viết Những bài ca không lời với những câu dành tặng Rimbaud như: "Này là trái, là hoa, là cành lá/ Là trái tim tôi thổn thức chỉ vì em". Năm 1875, khi Verlaine ra tù, hai người bạn còn gặp lại nhau ở Đức nhưng tình cảm của họ đã nguội lạnh, không bao giờ còn hâm nóng lại được như xưa.
Mất bạn, cuộc hôn nhân mà Verlaine đã ruồng bỏ cũng không còn cứu vãn được. Chưa bao giờ ông cô đơn và mất mát lớn đến vậy. Verlaine lại chìm trong rượu. Những lúc tỉnh táo, ông tham gia dạy tiếng Anh, tiếng Pháp và tranh thủ đi đây đó để sáng tác. Thời gian này, ông "cặp" với Lucien Leátinois - một cậu sinh viên, người đồng hành với ông trong những chuyến đi xa. Những năm cuối đời, Verlaine đau ốm nhiều, ông nằm viện nhiều hơn ở nhà. Verlaine qua đời tại Paris 1/1896.
Sau khi xa rời Verlaine, Rimbaud trở lại nông trang của gia đình và tập trung hoàn thành tập thơ Một mùa ở địa ngục như một lời đề tặng dành cho Verlaine. Đến năm 20 tuổi, Rimbaud dường như đã gác bút. Máu giang hồ lãng tử trong ông trỗi dậy. Năm 1876, Rimbaud sung vào đội quân viễn chinh tình nguyện chiến đấu ở tận Indonesia. 10 năm sau, ông trở về Pháp và tiếp tục lang bạt đến Abyssinia (nay là Ethiopia) và Aden (nay thuộc địa phận Yemen), làm nghề bốc vác và buôn súng. Trong những ngày này, nhà thơ bị ung thư xương chân, ông trở về Pháp và bị cắt cụt chân phải. "Đứa con của mặt trời" đã vĩnh viễn mất đi đôi cánh giang hồ của mình. Tháng 11/1891, nhà thơ qua đời tại một nhà thương làm phúc ở Marseille, khi mới chỉ 37 tuổi.
Là những người sáng tạo của dòng thơ tượng trưng - một trường phái thơ coi trọng hình ảnh và âm thanh hơn là ý nghĩa ngôn từ của câu chữ, Verlaine và Rimbaud để lại những ảnh hưởng lớn lao đến nền thi ca hiện đại thế giới. Tuy cuộc sống riêng tư bị dị nghị nhưng đương thời tài năng thi ca của hai người đã được đông đảo bạn đọc mến mộ và tôn kính. Đám tang của Verlaine đã lấy đi nước mắt của hàng nghìn người hâm mộ, còn Rimbaud được André Breton gọi là "Chúa trời của lứa tuổi hoa niên". Hai ông đã trở thành bậc tiền bối cho những nhà thơ nổi loạn "thế hệ Beat" như Henry Miller, Jack Kerouac và những nhạc sĩ của dòng nhạc punk rock như Bob Dylan, Jim Morrison và Patti Smith.
(Nguồn: Tổng hợp)