Ricon GX200. Ảnh: Quốc Huy. |
GX200 thuộc phân khúc máy ảnh bỏ túi cao cấp kiểu dòng G hoặc S của Canon. Đây là phiên bản kế thừa dòng GX100 và đã được Ricoh bổ sung thêm một vài tính năng tiên tiến hơn. Cảm biến được nâng lên thành 12 triệu điểm ảnh, ống kính góc rộng với dải zoom độc đáo 24 – 72mm (3x), màn LCD 2,7 inch độ phân giải cao 460.000 điểm ảnh, quay phim VGA 640 x 480 điểm ảnh, hỗ trợ thẻ SD/SDHC và các tính năng chỉnh phơi sáng A,P,M.
Ricoh GX200 được thiết kế theo hướng cổ điển. Ảnh: Quốc Huy. |
Thiết kế của Ricoh luôn mang hơi hướng cổ điển và hơi "già", và GX200 cũng không phải là ngoại lệ. Tay cầm to bản chiếm phần lớn mặt trước khiến cho phiên bản này thậm chí trông còn hơi "thô" nhưng chính kiểu thiết kế này lại đem lại một cảm giác khá chắc chắn khi phải cầm máy một tay. Đúng nghĩa như một dòng cấp cao, tay cầm còn được bọc một lớp da chống trượt ở mặt trước và một mẩu chỗ đặt ngón cái ở mặt sau khiến cho GX200 "sang" lên một chút. Giữ kiểu thiết kế "sạch sẽ", mặt trước ngoài tay cầm chỉ còn chỗ cho mỗi ống kính và đèn hỗ trợ lấy nét, đẩy tất cả các nút tùy chỉnh lên mặt trước và sang mặt sau. Một điểm thú vị khá đặc trưng của Ricoh là hãng này luôn bố trí trên thân máy hai điểm buộc dây đeo thay vì chỉ một như các dòng du lịch khác. Kiểu đeo dây cân bằng này gợi nhớ tới những máy phim SLR nhỏ gọn cổ điển kiểu xa xưa.
GX200 sử dụng pin Lithium đi kèm với thời lượng chụp được tới 350 kiểu. Ngoài việc dùng pin đi kèm, trong trường hợp cấp bách khi pin hết, người dùng có thể lắp hai viên pin tiểu AAA thay thế mà không cần phải qua adapter nào, một thiết kế mang đầy tính sáng tạo của một hãng Nhật Bản. Trung bình hai viên pin AAA này có thể duy trì được khoảng 40 kiểu.
Ống kính 3x của Ricoh GX200. Ảnh: Quốc Huy. |
Ống kính của GX200 dù chỉ 3x nhưng lại có một dải zoom rất hợp lý và khá độc nếu xét về thời điểm ra mắt giữa năm 2008. Chú tâm tới góc rộng, GX200 có ống kính 24 – 72mm, lấy theo dải tiêu cự của những ống DSLR full-frame bán chạy nhất (24 – 70mm) chứ không đi theo hướng 35 – 105mm như đa số máy ảnh du lịch thời đó trên thị trường. Ngoài ra bên cạnh ống kính còn có lẫy để có thể lắp thêm adapter cho ống góc rộng 19mm hay ống tele 135mm bán rời. Thực tế cho thấy bản thân góc 24mm đã quá hợp lý cho chụp dã ngoại, giúp người chụp không phải đứng quá xa để căn hình. Tuy nhiên một điểm hơi bất tiện là nắp chụp ống kính gắn vào thân, do đó khi mở máy nếu không mở nắp ống kính sẽ không thò ra được.
Đèn flash trên GX200 thuộc dạng pop-up. Ảnh: Quốc Huy. |
Đèn flash trên GX200 thuộc dạng pop-up với nút mở đèn được bố trí ngay bên cạnh. Có khoảng sáng hiệu dụng từ 3 – 5m, công suất đèn tích hợp này đủ cho những nhu cầu thông thường. Nếu muốn công suất lớn hơn, người dùng có thể lắp thêm đèn ngoài qua khe đa năng ngay phía đèn tích hợp. Khe này còn có thêm một chấu giao tiếp nhỏ phía dưới để có thể lắp thêm ống ngắm điện tử bán rời nếu cần. Dù có độ phân giải không cao, nhưng ống này lật lên được, cho phép người chụp có thể chụp với máy đặt phía dưới để hất lên.
Công tắc flash trên GX là loại gài cơ học chứ không phải điện tử nên bắt buộc người chụp phải mở bằng tay. Cơ chế này hơi bất tiện cho người mới dùng do việc kể cả khi máy ở chế độ tự động, đèn flash cũng không tự động bật khi thiếu sáng, nhưng lại có lợi thế với người chụp có kinh nghiệm muốn kiểm soát hoàn toàn lúc nào dùng đèn, lúc nào không. Để thêm phần chuyên nghiệp, Ricoh đã bổ sung hoàng loạt tính năng tinh chỉnh đèn thông qua menu như chỉnh công suất phát sáng, chỉnh mức độ bù đèn, thậm chí cả thời điểm đồng bộ đèn chớp ở đầu hay cuối quy trình cửa trập (1st hoặc 2nd curtain), những tính năng tiên tiến vốn chỉ thấy trên các máy DSLR.
Màn hình LCD 2,7 inch. Ảnh: Quốc Huy. |
Màn hình LCD 2,7 inch chiếm đúng phần của ống kính ở mặt sau. Độ phân giải đã được nâng lên gấp đôi thành 460.000 điểm ảnh so với phiên bản trước đó chỉ 230.000 điểm. Độ phân giải cao của GX200 quả thật cũng rất đáng giá, ảnh xem lại rất chi tiết và sáng rõ, người chụp có thể nhận thấy ngay các nhược điểm như mất chi tiết hay rạn, nhiễu... trên màn hình để điều chỉnh lại thay vì phải chuyển vào màn máy tính mới phát hiện ra.
Ricoh bố trí vòng quay chỉnh chế độ giống ở DSLR. Ảnh: Quốc Huy. |
Ngoài các nút cơ bản ở mặt trên và mặt sau như nút nguồn, chụp ảnh, zoom, hiển thị ảnh, truy cập menu cùng các nút điều hướng mà hầu hết các phiên bản máy du lịch đều tương tự nhau, GX200 được Ricoh bổ sung thêm hệ thống các nút truy cập nhanh rất hữu dụng. Đầu tiên là hai nút chức năng Fn1 được bố trí ở vị trí hơi lạ gần đèn flash và Fn2 gán cho nút điều hướng trái. Hai nút này có thể tùy biến gán cho rất nhiều tính năng truy cập nhanh, từ chỉnh lấy nét tự động sáng lấy nét tay, ảnh JPEG sang ảnh RAW, màu sang đen trắng, chụp liên tục... tới cân bằng trắng, bù đèn... Hợp lý nhất là người chụp nên gán một nút chức năng thành chế độ chụp liên tục, bởi chế độ này Ricoh lại không để sẵn ở bên ngoài mà để trong menu, còn nút kia mới tùy biến chọn các chế độ khác nhau tùy thích. Nhưng điều đáng tiếc là dù nhiều nút để gán và nhiều tính năng như vậy, GX200 không hề có nút nào dành cho quay phim mà người chụp buộc phải chuyển qua chế độ mặc cảnh (Scene Mode), sau đó mới vào menu để chuyển sang chế độ quay phim, rất bất tiện và mất thời gian.
Thêm một điểm độc đáo là GX200 có hai bánh xe điều chỉnh ở mặt trên phía tay cầm và mặt sau chỗ đặt ngón cái tương tự như trên các máy DSLR. Hai vòng này ngoài chức năng chỉnh độ mở và tốc độ cửa trập khi ở chế độ chỉnh tay, còn có thể thay thế các nút điều hướng để di chuyên giữa các menu và phóng to, thu nhỏ ảnh, di chuyển giữa các ảnh ở chế độ xem lại... Vòng ADJ ở mặt sau còn dùng để truy cập nhanh các cài đặt cơ bản như ISO, Cân bằng trắng, Độ lớn ảnh, Bù sáng... tương tự như nút Joystick của dòng R. Tuy nhiên hệ thống liên thông điều chỉnh giữa các bánh xe này vẫn chưa hoàn hảo và cần phải cải tiến thêm bởi mặc dù vòng bánh xe ADJ được trang bị chức năng ấn vào để chọn, chức năng này chỉ hoạt động ở một số tùy chỉnh nhất định, các tùy chỉnh khác mặc dù điều chỉnh được nhưng lại phải nhấn chọn nút OK khiến cho việc phối hợp giữa các nút điều hướng và các vòng bánh xe điều khiển trở nên rối rắm và phải mất một thời gian mới có thể làm quen được.
GX200 hỗ trợ chế độ chỉnh tay hoàn toàn giống DSLR. Ảnh: Quốc Huy. |
GX200 hỗ trợ chế độ chỉnh tay gần hoàn toàn với các chế độ tự động (Full-Auto), lập trình (Program – P), Ưu tiên độ mở (Aperture – A) và Chỉnh tay (Manual – M), chỉ thiếu mỗi tính năng Ưu tiên cửa trập. Bên cạnh các tùy chỉnh ảnh cơ bản, GX200 còn được trang bị thêm nhiều tùy chỉnh tiên tiến như chỉnh méo hình, giảm nhiễu, chỉnh xiên hình vốn khá thú vị của hãng, chỉnh lấy nét vô cực, chỉnh bù cân bằng trắng theo tọa độ màu... mà phải những người rất hiểu biết mới có thể tận dụng và sử dụng được hết. Cùng với cảm biến cân bằng điện tử, các chế độ đồng bộ đèn tốc độ chậm và hỗ trợ ảnh RAW, có thể nói GX200 chính là phiên bản giúp người dùng làm quen với một máy ảnh chuyên nghiệp trước khi lên đời DSLR.
Ảnh test ISO. Ảnh: Nguyễn Hà. |
Chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng ban ngày, GX200 hoạt động khá ổn định, tốc độ lấy nét nhanh, chế độ tự động cân bằng trắng tốt, nhiễu hạt ít nhờ có bộ xử lý hình ảnh mới Smooth Imaging Engine III. Nhờ có thêm chức năng tinh chỉnh cân bằng trắng với từng màu riêng lẻ, những người cầu kỳ có thể khắc phục tối đa độ lệch màu nếu vẫn chưa thỏa mãn với chế độ mặc định hay tự động. Bên cạnh đó là chế độ tự động cân bằng sáng tối (Level correction) dù chưa phải là hoàn hảo nhưng thực sự khá hiệu quả khi bảo lưu được những chi tiết ở cả vùng sáng và vùng tối.
ISO của GX200 giờ đây xuống tới 64 cho hình ảnh chụp rất mịn và đầy đủ chi tiết. Lên đến ISO 100 và 200 bắt đầu xuất hiện nhiễu và bắt đầu khoảng từ ISO 200 – 400 thì chế độ khử nhiễu kích hoạt giúp hình ảnh có mịn hơn một chút nhưng vẫn hơi bết. Mặc dù ISO không cao, chỉ tới 1600 nhưng từ ISO 400 là hình ảnh bắt đầu hạt thấy rõ với chất lượng suy giảm hẳn và chi tiết bắt đầu bị mờ. Tốt nhất người chụp nên duy trì ở mức ISO 64 – 100 để ảnh đạt chất lượng cao nhất.
Chụp cảnh chuyển động, GX200 không mấy ấn tượng với chỉ chừng 2 kiểu/giây, tuy nhiên bù lại GX200 có chế độ S-Cont và M-Cont cho phép chụp với tốc độ rất nhanh 16 ảnh rồi ghép vào thành một ảnh lớn. Dù nếu tách từng ảnh nhỏ thì độ phân giải không cao nhưng chế độ này lại tạo được một hiệu ứng chụp liên tục kiểu quay chậm khá thú vị.
Đi cùng chân máy Velbon Ultra Max i M. Ảnh: Quốc Huy. |
Làm một cặp đôi rất hoàn hảo với chân máy Velbon Ultra Max i M, GX200 phát huy lợi thế chụp phong cảnh đêm và chụp macro bởi các tính năng tinh chỉnh phong phú của máy cùng với sự gọn nhẹ đến không ngờ của chân (khi gập chỉ dài khoảng 30cm). Ultra Max i M là một chân máy thế hệ mới của hãng Velbon với hệ thống lẫy mở chân được cải tiến, chỉ cần xoay nhẹ là nhả ra hoặc khóa lại, giúp thao tác đóng mở rất nhanh gọn và dễ dàng. Chân máy này cũng được thiết kế chuyên cho chụp macro nhờ không áp dụng cơ chế nối 3 chân với trụ mà được thiết kế choãi tự do theo 3 mức định trước. Trụ giữa nếu không đẩy lên cao có thể tháo bỏ để cho máy ảnh sát mặt đất nhất (khoảng 16cm). Với khả năng chụp macro gần tới 1cm của GX200, vị trí này lý tưởng để chụp quảng cáo sản phẩm.
Mặc dù được thiết kế dạng lẫy tháo rời giữa chân máy và đế nối máy ảnh để gỡ máy nhanh chóng, đế nối này lại dùng ốc vặn thay vì dùng tai vặn như các chân máy khác khiến cho việc cố định máy ảnh vào đế này hơi bất tiện. Bên cạnh đó, do phải đảm bảo độ vững chắc nên chân máy chỉ có 2 khúc và cao tối đa 1,3m, chỉ thích hợp chụp phong cảnh khi dã ngoại. Trên thực tế, khi gắn trên Ultra Max i M, người dùng GX200 có thể thoải mái hạ ISO xuống 64, tận dụng độ mở lớn f/2,5 cùng với cơ chế tùy chọn điểm nét và điểm đo sáng như trên dSLR để chụp macro phong cảnh thông thường như hoa, lá, cành... hoặc chụp các công trình kiến trúc. Với tùy chỉnh phơi sáng tay, người dùng có thể tận dụng chân máy để chụp những cảnh đêm không thua kém máy chuyên nghiệp chứ không phải lệ thuộc vào các chế độ chụp đêm (Night Mode) vốn không mấy tin cậy trên các máy ảnh du lịch trên thị trường.
Về tổng thể, có thể nói GX200 khó có thể chê được về sự hỗ trợ các tính năng tiên tiến của một máy ảnh bán chuyên nghiệp. Phiên bản này có gần như đầy đủ những tinh chỉnh phức tạp vốn chỉ thấy trên các máy DSLR. Tuy nhiên chất lượng ảnh và tốc độ lại chưa đi đôi được với các tính năng tiên tiến này, nhất là khâu xử lý nhiễu hạt ở ISO cao. May mắn là GX200 có mức ISO xuống tới 64 và trong điều kiện đủ sáng thì chất lượng ảnh rất mịn và chi tiết. Với tính cơ động và đa năng, phiên bản này xứng đáng trở thành một máy ảnh dự phòng cho các tay máy chuyên nghiệp trong những chuyến đi xa hoặc cho những người ham thích mày mò về các chế độ ảnh trước khi quyết định nâng đời lên DSLR.
Sản phẩm đang được bán tại thị trường trong nước với giá khoảng 337 USD.
* Xem ảnh chụp thử bằng Ricoh GX200. | ||
* Thông số kỹ thuật cơ bản Ricoh Caplio GX200 | ||
|
Nguyễn Hà