Richard Linklater luôn được coi như một trong những tượng đài của điện ảnh độc lập Mỹ đương đại. Từ những chuyện đời vặt vãnh chẳng có gì đáng kể, những mẩu đối thoại vô thưởng vô phạt, những nhân vật tầm tầm, không quá xuất sắc, cũng chẳng quá đặc biệt, Linklater vẫn luôn biết cách kể những câu chuyện ý nhị và hấp dẫn người xem.
Sinh năm 1960 tại Texas, trước khi đến với điện ảnh, Richard Linklater từng là một công nhân làm việc trên giàn khoan dầu tại vịnh Mexico. Ông nhớ lại suốt thời gian ấy chỉ có hai hình thức giải trí chính: một là đọc tiểu thuyết, hai là tranh thủ đi xem phim mỗi dịp trở về đất liền. Điện ảnh và văn học đã kích thích trí tưởng tượng của chàng trai 20 tuổi. Ông quyết định cuộc đời mình sẽ không thể chỉ dừng lại ở một giàn khoan dầu nào đó mà phải là một cái gì đó lớn lao hơn thế. Linklater muốn trở thành một nhà làm phim, để thông qua những tác phẩm điện ảnh, tìm cách đối thoại với thế giới.
Ngay từ bộ phim đầu tiên, It’s Impossible to Learn To Plow by Reading Books, Richard Linklater đã bộc lộ quan điểm làm phim dị biệt của mình. Bộ phim có cốt truyện tối giản và phi truyền thống, không có cao trào hay thắt nút, mở nút. Trong phim, nhân vật chính chỉ đơn giản là đi lòng vòng khắp đất nước, gặp gỡ với đủ hạng người, quan sát cuộc sống thường ngày của họ. Tuy nhiên, bộ phim chưa từng được phát hành chính thức và khán giả rất hiếm có cơ hội thưởng thức tác phẩm này.
Bộ phim thứ hai, Slacker, được thực hiện chỉ với vỏn vẹn 23.000 USD. Phim có cấu trúc độc đáo và dường như không có cốt truyện. Với độ dài 100 phút, nó là một lát cắt cuộc sống ở Austin, Texas. Bộ phim theo chân khoảng 40 nhân vật, không bao giờ dừng lại quá lâu ở một người cụ thể hoặc cuộc trò chuyện nào. Slacker được giới phê bình đánh giá cao và từng được đề cử cho Giải thưởng Lớn của Ban Giám Khảo tại LHP Sundance 1991. Năm 2012, bộ phim được Viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ lựa chọn bảo tồn vì “có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mỹ”.
Hơn 25 năm gắn bó với điện ảnh, Richard Linklater chưa bao giờ là một người ngại thử nghiệm những cái mới. Với gia tài 17 bộ phim trong tay, vị đạo diễn người Texas đã ra mắt đủ mọi thể loại phim từ tình cảm lãng mạn (series Before), phim hoạt hình thử nghiệm (Waking Life), Phim tuổi trưởng thành (Dazed and Confused, Boyhood) đến phim hài kiểu Hollywood (School of Rock).
Đặc trưng rõ ràng nhất ở các phim của Richard Linklater là một kiểu phim gần như không có cốt truyện. Trong cuộc phỏng vấn với Matthew McConaughey, Linklater từng bày tỏ quan điểm: “Tôi chưa bao giờ là kẻ thích sắp đặt những tình tiết. Cốt truyện (plot) rất giả tạo. Cuộc sống của bạn có cốt truyện không? Nó có những nhân vật. Nó có những câu chuyện (narrative). Nhưng còn cốt truyện thì không”.
Trong Dazed and Confused (1993), một bộ phim kinh điển về tuổi học trò, khán giả được theo dõi một nhóm học sinh, đủ cả trai lẫn gái, cả hiền lành lẫn nổi loạn lái xe một cách vô định quanh thị trấn, uống bia, tán tỉnh, cãi lộn… và chỉ có thế. Không một biến cố hay một thảm kịch nào đó nghiêm trọng xảy ra. Series Before kể về chuyện tình của Jessie và Celine còn đơn giản hơn. Suốt phim chỉ là cảnh hai nhân vật chính “dung dăng dung dẻ” trên khắp các con phố tuyệt vời ở châu Âu và trò chuyện đủ mọi thứ trên trời dưới đất.
Rất khó để tìm kiếm những khoảnh khắc điện ảnh kịch tính hay giật gân trong phim của Richard Linklater. Không có cái chết hay một tai nạn thương tâm nào, không ai phạm tội, không một tình huống từ trên trời rơi xuống, phức tạp hóa mọi chuyện. Phim của Linklater luôn giản dị và chân thực như cuộc sống đời thường. Ông cũng đặc biệt tránh “cận cảnh” vào những khoảnh khắc nhân vật đối diện với sự thay đổi trong cuộc đời. Trong phim của ông, rất hiếm khi khán giả được chứng kiến một khoảnh khắc trọng đại nào đó của nhân vật như đám cưới, đám ma, lễ tốt nghiệp…
Dường như với Linklater, cuộc đời không phải là một chuỗi những gạch đầu dòng về chuyện gì đã xảy ra. Gương mặt cuộc đời chỉ được nhận thức đầy đủ nhất trong những ngày “trời hôm ấy không có gì đặc biệt”, khi nhân vật ở trạng thái tâm lý bình ổn nhất, từ những chuyện vặt vãnh, giản đơn nhất. Gạt đi mọi sự làm màu, mọi sự hoa lá cành không cần thiết, những bộ phim của Linklater luôn cảm động và chạm tới trái tim người xem.
Cách Richard Linklater xử lý với thời gian trong phim cũng thật lý thú. Phim của ông có hai dạng tiêu biểu: Một là toàn bộ câu chuyện gói gọn trong một ngày. Slacker, Dazed and Confused, Tape, Before Sunrise, Before Sunset và Before Midnight là tiêu biểu cho dạng này. Khán giả sẽ được theo chân nhân vật trong khoảng thời gian 24 tiếng trên phim, dõi theo những hoạt động thường ngày của họ, cách họ đối xử với những người xung quanh, cách họ nhìn cuộc đời. Những bộ phim ấy giống như những lát cắt của cuộc sống đời thường.
Dạng thứ hai là phim làm theo thời gian thực mà series Before và Boyhood là ví dụ. Ở series Before, cứ 9 năm một lần, khán giả lại được tái ngộ “cặp tình nhân của thập kỷ” Jessie và Celine. Mỗi lần như vậy, khán giả lại chứng kiến tình yêu của họ đi đến một cung bậc mới. Boyhood thậm chí còn là một bộ phim kỳ công hơn khi mất tới 12 năm để thực hiện.
Bộ phim dõi theo sự thay đổi của một cậu bé từ khi học lớp một đến khi vào đại học. Bình thường, những đạo diễn khác sẽ sử dụng tối thiểu hai diễn viên đóng vai nhân vật chính lúc nhỏ và lúc lớn. Richard Linklater thì không chấp nhận một sự thỏa hiệp như vậy.
Đối với ông, không một kỹ xảo điện ảnh, một bậc thầy hóa trang nào có thể vượt mặt được “thời gian” trong việc tạo ra những thay đổi về diện mạo, tâm lý con người. Linklater có thừa lòng quyết tâm và sự nhẫn nại để chờ đợi. Boyhood được khởi quay từ tháng 5/2002 và đến tháng 10/2013 mới đóng máy.
Một trong những yếu tố làm nên “thương hiệu” Richard Linklater chính là lời thoại. Trong phim của ông, ngôn từ thay thế cho hành động. Những cuộc trò chuyện giúp bộc lộ cá tính, bản sắc, tâm trạng, vị thế… của các nhân vật. Before Sunrise, Before Sunset, Before Midnight hẳn sẽ rất nhạt nhẽo và dễ quên nếu thiếu đi phần trò chuyện ý nhị, sâu sắc giữa Jesse và Celine.
Dazed and Confused ra đời cách đây hơn 20 năm, vẫn được khán giả nhớ đến với những câu thoại để đời như: “Đó là lý do tại sao tôi thích những cô gái ở trường trung học, ông bạn ạ. Tôi thì già đi, còn họ thì giữ nguyên tuổi”… Lời thoại trong phim của Linklater không bao giờ khiên cưỡng hay phô trương. Cách các nhân vật nói chuyện đều tự nhiên, gần gũi như cuộc sống thường ngày nhưng vẫn luôn có một cái gì đó khiến người xem mỉm cười hoặc nghĩ ngợi.
Nhân vật trong phim của Richard Linklater không phải là những điển hình, những tính cách được cô đặc lại minh họa cho một tư tưởng nào đó của đạo diễn. Họ thậm chí cũng chẳng phải những cá nhân độc đáo hay tài năng kiệt xuất. Những Mason, những Jesse, Celine trong phim của Linklater đều giản dị, sống động, dễ mến như người thực. Không bao giờ đẩy cái gì lên quá đà là phương châm của Linklater. Phim của ông vì thế luôn có một vẻ gì thật thà, đáng tin và cảm động.
Nhiều người vẫn quan niệm rằng, phim ảnh và nghệ thuật nói chung là một cách để thoát ly thực tại. Họ tìm đến điện ảnh để được đắm mình vào những cuộc phiêu lưu, những vụ mạo hiểm, các cuộc tình say đắm… là những thứ mà họ không thể tìm thấy ngoài đời thực.
Phim của Richard Linklater thì ngược lại. Ông là một thi sĩ của đời thường, nàng thơ của ông chính là những điều nhỏ nhặt của cuộc sống hàng ngày. Không tô hồng, không lý tưởng hóa mọi thứ, Linklater đã chỉ giúp khán giả vẻ đẹp của đời thực - đẹp như nó vốn có - mà do thờ ơ, vội vã, đôi khi, chúng ta đã vô tình không để ý thấy.
Trailer một số bộ phim của Richard Linklater |
* Before Sunrise - Before Sunset - Before Midnight |
* Dazed and Confused |
* The School of Rock |
* Boyhood |
Anh Trâm