Richard Clayderman sinh năm 1953 tại Pháp. Ông được đào tạo để trở thành nghệ sĩ Piano cổ điển nhưng cuối cùng lại đi theo âm nhạc phổ thông với việc pha trộn thể loại cổ điển và pop. Hoạt động từ năm 1976, Richard Clayderman đã có một sự nghiệp thành công về mặt thương mại kéo dài đến nay.
Trong thời kỳ đổi mới những năm 1980 và 1990, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, đời sống tinh thần của người Việt lại rất phong phú khi được tiếp cận nhiều nét văn hóa nước ngoài, đặc biệt là âm nhạc và phim ảnh. Sau cuộc “đổ bộ” của những cái tên như ABBA, Boney M, Modern Talking, Sandra hay Whitney Houston, người Việt bắt đầu chú ý tới nhạc hòa tấu không lời với 4 đại diện tiêu biểu là Paul Mauriat, Kenny G, Yanni và đặc biệt là Richard Clayderman.
Một trong những bản nhạc đầu tiên của Richard được nhiều khán giả biết tới là Ballade pour Adeline – cũng là sản phẩm âm nhạc đem lại tên tuổi cho ông với 34 triệu đĩa được bán hết tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hình ảnh chàng trai trẻ có mái tóc vàng, đôi mắt xanh mơ màng, diện bộ vest trắng lịch lãm lướt từng ngón tay trên phím đàn dương cầm tạo nên những giai điệu du dương, đã in sâu vào tâm trí của những ai từng sống trong thời kỳ đó. Sau đó lần lượt những Love is Blue, Music Box Dancer hay Mariage d’amour tạo nên một sức ảnh hưởng ngày càng lớn.
Sự xuất hiện của Richard Clayderman như một làn gió mát lành thổi vào tâm hồn khô cằn của những con người vừa mới trải qua chiến tranh và đang xây dựng lại đất nước. Không thuộc dạng cao sang, những bản nhạc của Richard chủ yếu là hòa tấu lại từ những tình khúc đương thời hay những bản nhạc gợi cảm giác êm đềm, nhẹ nhàng. Chính vì vậy, nó dễ dàng đi vào tâm trí khán giả đại chúng hơn là những tác phẩm hàn lâm được đánh giá cao về mặt chuyên môn. Nó phù hợp với nhu cầu thưởng thức lúc bấy giờ.
Từng có một thời kỳ ở Việt Nam mà đi bất kỳ đâu cũng có thể nghe thấy những Music Box Dancer, Ballad pour Adeline hay A Comme Amour của Richard Clayderman. Từ chiếc radio đang phát sóng một chương trình giao hưởng thính phòng đêm khuya, chiếc tivi đen trắng, sau đó là cuốn băng video VHS ở đầu V8 tới những chiếc loa phường trên đường phố, những quán café hay ngôi nhà tập thể… cũng đều vang vẳng tiếng đàn của nghệ sĩ người Pháp.
Bác Đoàn Văn Thái, một khán giả U70, bồi hồi nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ những năm tháng làm công nhân trong một nhà máy sản xuất phụ tùng xe máy ở Hà Nội. Cứ mỗi buổi trưa sau bữa cơm hộp, chiếc radio lại phát ra tiếng đàn của Richard Clayderman. Nghe thì không hiểu ý nghĩa những bản nhạc ấy đâu, chỉ có cảm giác là nó rất lãng mạn, ngọt ngào. Chính thứ âm nhạc ấy đã khiến cho không gian ngột ngạt với xung quanh toàn mùi ắcquy ngày đó trở nên mềm mại hơn”.
Nhiều đứa trẻ ngày ấy được cha mẹ đánh thức vào sáng chủ nhật bằng tiếng đàn réo rắt của Richard trong cuốn băng cassette. Nhiều phụ nữ đi làm về trước khi vào bếp nấu ăn phải mở những Love is Blue, Love Story lên. Có những người đàn ông sau giờ làm việc trở về nhà thu mình trong căn phòng nhỏ cùng tiếng đàn của Richard. Có cả những người sẵn sàng bán đi chiếc xe đạp của mình để được sở hữu một chiếc đĩa than quý giá tuyển tập những bản nhạc lãng mạn của Richard Clayderman…
Có sức ảnh hưởng lớn với khán giả đại chúng, Richard Clayderman cũng có vô số antifan, nhất là những người say mê thể loại cổ điển hàn lâm. Nhiều nhà phê bình cho rằng nhạc của ông là “nhạc thang máy” vì các tác phẩm của ông được chơi ở những nơi có không gian rộng rãi như thang máy, khu buôn bán hay thậm chí là cả sân vận động – một không gian được đánh giá là “loãng” và không phù hợp với bộ môn Piano quý tộc vốn hay được biểu diễn trong những nhà hát sang trọng. Những người có chuyên môn về Piano còn cho rằng, Richard có kỹ thuật hạn chế và xem ông như biểu tượng của một sự hào nhoáng bên ngoài mà rỗng tuếch, hời hợt bên trong.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận Richard Clayderman đã quá thành công trong việc truyền cảm hứng tới số đông. Ông chơi những gì dễ nghe, dễ cảm thụ. Mỗi khi tiếng đàn vang lên là tạo nên cảm giác thư thái, êm đềm cho mọi người. Cũng chính Richard đã góp phần không nhỏ trong việc phổ cập bộ môn Piano, khiến cho nhiều người Việt tìm tới nhạc cụ này hơn.
Chị Nguyễn Thu Hương, thuộc thế hệ 7x, kể lại những ký ức của mình: “Có thời kỳ cả Việt Nam, đâu cũng nghe thấy nhạc Richard Clayderman. Mà cũng nhờ chàng, mình mới ‘câu’ được chồng mình. Học Piano cổ điển 12 năm mà mình ‘câu’ được chồng mình bằng bản A Comme Amour. Sau 13 năm ở với nhau thì chồng phát hiện ra mình cũng chỉ đánh đi đánh lại vài bản thôi”.
Thời gian cứ thế trôi đi, tới những năm 2000, sự phát triển của công nghệ cùng nhiều loại hình âm nhạc – văn hóa khác khiến Richard Clayderman dần chìm vào quên lãng giữa vô số cái tên mới xuất hiện như Yiruma, Lang Lang… Những cuốn băng cassette, băng video VHS hay thậm chí giờ đây là những chiếc đĩa CD cũng dần trở thành “đồ cổ”, nhường chỗ cho âm nhạc công nghệ số.
Sau hơn 20 năm, hình ảnh của Richard Clayderman đã in sâu dấu vết của thời gian, chỉ có tiếng đàn của ông vẫn vậy. Năm 2013, nghệ sĩ người Pháp này tung ra phiên bản mới của Ballade pour Adeline. Vẫn là một Richard say sưa bên cây đàn dương cầm và khơi gợi những cảm xúc tươi sáng, yêu đời qua những bản nhạc phù hợp với bất kỳ không gian nào.
Nhắc tới Richard Clayderman, thế hệ 5x-6x sẽ nhớ nhiều về một thời kỳ vất vả của đất nước nhưng phong phú về tinh thần; thế hệ 7x sẽ nhớ về một thời tuổi trẻ mộng mơ, lãng mạn bên tiếng đàn của nghệ sĩ người Pháp; còn nhiều người của thế hệ 8x hẳn sẽ tìm lại hình ảnh của thời ấu thơ êm đềm với những buổi sáng chủ nhật thảnh thơi. Chính vì vậy, đêm nhạc Richard Clayderman tại Hà Nội vào tối 23/8 sẽ không chỉ mang tính chất là thưởng thức âm nhạc đơn thuần mà còn giống như một hành trình của nhiều thế hệ trong một gia đình tìm về “mái nhà xưa”, tìm về một thời để nhớ.
* "Ballade pour Adeline" - phiên bản 1976 |
* "Ballade pour Adeline" - phiên bản 2013 |
Nguyên Minh