Ricardo Rodriguez là một trong những nhân vật góp công lớn nhất trong hành trình đến Nga của Thụy Sỹ. Dù thắng đến chín trong 10 trận vòng loại, Thụy Sĩ vẫn phải đá play-off với Bắc Ireland. Lượt đi, Rodriguez ghi bàn duy nhất của trận đấu. Đến lượt về, khi cú đánh đầu ở phút thứ 91 của Jonny Evans đang bay vào khung thành trống, chính Rodriguez là người giải vây ngay trên vạch vôi. Thụy Sĩ giành vé đi tiếp với tỷ số chung cuộc 1-0. Không một ai có thể phủ nhận: đoàn quân của HLV Vladimir Petkovic đã không thể hiện diện ở Nga nếu không có hậu vệ đang chơi cho Milan.
Vậy mà đã có lúc, việc Rodriguez vào sân chơi bóng thôi cũng đã được xem như một điều kỳ diệu. Vì ngay khi vừa lọt lòng mẹ, anh đã phải đối diện với một căn bệnh hiếm gặp. Năm 2011, mẹ của Rodriguez kể lại: “Ngày trước, ai mà nói con tôi sẽ trở thành VĐV thể thao đỉnh cao, tôi sẽ cho họ là người mất trí”.
Chân dung World Cup Từ hôm nay, VnExpress khởi đăng loạt bài về chân dung World Cup, để gửi đến độc giả những câu chuyện độc đáo về các cầu thủ dự ngày hội sắp khởi tranh ở Nga. Có thể, họ không thật nổi tiếng, nhưng câu chuyện của họ hứa hẹn truyền cảm hứng rất lớn. |
Tên của bà là Marcela, dân nhập tư từ Chile. Khi bà Marcela mang thai Rodriguez được tám tháng, bác sĩ thông báo hung tin: con của bà bị thoát vị hoành, một chứng bệnh bẩm sinh do cơ hoành không được hoàn thiện. Từ đó, sẽ có khe hở giữa lồng ngực và ổ bụng. Các tạng lẽ ra trong ổ bụng như dạ dày, ruột, lách, gan có thể đi lên lồng ngực qua khe hở của cơ hoành.
Vì đứa bé quá lớn, bác sĩ tất nhiên phải giữ lại. Nhưng ngay sau khi vừa chào đời, cậu bé Rodriguez đã được đưa trực tiếp từ bụng mẹ sang bàn mổ. Cơ hội sống sót của cậu bé, theo các bác sĩ chẩn đoán, chỉ tối đa là 50%. Bệnh viện thậm chí còn cho mời luôn mục sư vào cầu kinh. Nhưng ông ngoại của Rodriguez, Nelson, bảo mục sư hãy rời khỏi bệnh viện. “Cháu của tôi sẽ vượt qua được, nó đủ sức mạnh để sống tiếp. Xin cha đừng lo,” ông nói.
Sau ca phẫu thuật, bác của Rodriguez đặt một bức ảnh nhỏ của Đức mẹ Mary lên đầu giường. “Đức Mẹ đã giúp nó qua khỏi,” Marcela nói với nhật báo Blick (Thụy Sỹ) vào năm 2011. Dẫu vậy, cậu bé vẫn phải trở lại bệnh viện mỗi sáu tháng để kiểm tra, trong suốt ba năm đầu tiên trong cuộc đời. Cả nhà chăm sóc cậu với tất cả sự tận tâm, tỉ mỉ. Vì ngay cả một cơn cảm lạnh cũng đủ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tình mẫu tử của hai mẹ con Rodriguez lớn dần theo năm tháng. Marcela luôn tự hào về đứa con trai ốm yếu của bà và ra sức chăm sóc nó thật tốt, vì Rodriguez bị thiệt thòi so với các anh em. Khi bà Marcela qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2015, Rodriguez đã xăm số 68 (Marcela sinh năm 1968) lên lưng anh. Hậu vệ này cũng xăm thêm chữ “J” và “M” lên cổ. M là Marcela. Còn J là cha anh, Jose, một người nhập cư từ Tây Ban Nha.
68 cũng là số áo của của ba anh em nhà Rodriguez tại CLB: Ricardo tại AC Milan, người anh Roberto (27 tuổi) tại FC Zurich và người em út Francisco (22 tuổi) tại FC Lucerne. “Tôi vẫn có thể nghe tiếng mẹ mình,” Ricardo Rodriguez nghẹn ngào khi nói về Marcela. “Mẹ ở trong tâm trí tôi, trong trái tim tôi. Tôi sống được đến bây giờ là nhờ có mẹ, và có Chúa”.
Ở tuổi 18, Rodriguez xăm chân dung Đức mẹ Mary lên cánh tay phải. “Vì tôi muốn mang người bảo hộ bên mình,” anh giải thích.
Rodriguez lớn lên tại Schwamendingen, khu vực nằm giữa hai nhà máy nhiệt điện, cạnh đường cao tốc Đông Zurich. Tờ Neue Zürcher Zeitung từng gọi nơi đây là “khu Bronx của Zurich” để ví von với một khu vực cùng tên nổi tiếng vì các băng đảng giang hồ cùng vô số tệ nạn ở New York. Anh xin vào lò đào tạo của CLB địa phương FC Schwamendingen năm sáu tuổi. Sau đó, Rodriguez đầu quân cho FC Zurich, dù anh trai Roberto lúc ấy đang trong biên chế của kình địch cùng thành phố Grasshopper - CLB giữ kỷ lục về số lần vô địch Thụy Sĩ.
Nhưng Rodriguez chưa từng hối hận với quyết định của anh. Năm 2009, anh cùng U17 Thụy Sĩ vô địch U17 thế giới tại Nigeria. Tám tháng sau, anh được đôn lên đội một của FC Zurich. Mất thêm hai năm nữa, Rodriguez được HLV Ottmar Hitzfeld triệu tập vào đội tuyển quốc gia. Anh lấy luôn vị trí của Reto Ziegler, một cựu binh giàu kinh nghiệm từng khoác áo Tottenham, Hamburg, Sampdoria, Fenerbahce. Tất nhiên, Rodriguez không trả lại nữa.
Sự nghiệp của Rodriguez thăng tiếng không ngừng. Năm 2012, Rodriguez sang Wolfsburg ở tuổi 19. Năm 2014, HLV Dieter Hecking gọi anh là “hậu vệ trái hay nhất Bundesliga”. Khi rời Wolfsburg để sang AC Milan hè năm ngoái, Rodriguez đã ghi được 22 bàn sau 184 trận tại Bundesliga. Đó là con số không tồi chút nào cho một hậu vệ.
Cao ráo, đẹp trai, Rodriguez hiện sống tại Milan cùng người bạn gái ở một căn hộ cao cấp tại trung tâm thành phố, là hàng xóm với ngôi sao ca nhạc Tiziano Ferro. Nhưng quê hương Schwamendingen luôn trong tim anh. Vì mỗi lần ghi bàn, anh đều hướng lên trời cao để tặng bàn thắng cho mẹ. Rodriguez chưa bao giờ quên nơi anh sinh ra. Vì ở đó, khi bác sĩ nói với mẹ anh về viễn cảnh mất con, mà Marcela đã cả quyết: "Con trai tôi sẽ không bao giờ chết trước tôi".
Thụy Sỹ rất cần hậu vệ trái của họ ở phong đô tốt nhất nếu muốn tiến xa tại Nga. Họ gọi Rodriguez là “chiến binh bẩm sinh”, một sự ví von đúng ngay cả khi ở nghĩa đen!
Ricardo Iván Rodríguez Araya Ngày sinh: 25/8/1992 Quốc tịch: Thụy Sỹ CLB: AC Milan Số lần khoác áo ĐTQG: 52 Số bàn cho ĐTQG: 4 |
Hoài Thương (theo Guardian)