- RIAV sẽ có những hành động siết chặt vấn đề bản quyền âm nhạc nói chung và trên môi trường Internet nói riêng. Xin ông cho biết cụ thể là những gì?
Ông Phạm Long Minh, Chánh văn phòng Hiệp hội công nghiệp ghi âm VN - RIAV. Ảnh: P.L.M.
- Bản quyền âm nhạc là một vấn đề lớn, RIAV sẽ phối hợp cùng Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để đẩy mạnh vấn đề này. Một số định hướng chủ yếu gồm: nâng cao nhận thức của doanh nghiệp khi kinh doanh bản ghi, hướng cho người tiêu dùng quen dần với việc sử dụng bản ghi âm nhạc hợp pháp, có bản quyền.
Đồng thời, đề ra các biện pháp ứng phó cứng rắn với các đơn vị sử dụng trái phép và thiếu sự tôn trọng tác giả - chủ sở hữu. Bên cạnh đó có những sự hỗ trợ và biểu dương các đơn vị kinh doanh có thiện chí trong việc xin phép và trả tiền sử dụng. Trong khả năng của mình, Hiệp hội sẽ hỗ trợ tối đa cho các đơn vị có thiện chí.
Đối với môi trường Internet, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 58 yêu cầu các đơn vị sử dụng phải có ý thức hơn. RIAV sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hội viên, kể cả phải viện đến pháp lý như: tố tụng dân sự, yêu cầu xử phạt hành chính, thậm chí là hình sự, để đối phó với đơn vị sử dụng thiếu hợp tác, bất kể đó là đơn vị nào.
- Một trong những quy định của RIAV là sẽ thu phí tác quyền với nhạc trên Internet là 1 triệu đồng/bài mỗi năm. Con số này được tính dựa trên những yếu tố nào?
- Chúng tôi đã khảo sát và tham khảo giá của các quốc gia láng giềng trong trường hợp tương tự. Hơn thế, căn cứ vào mức giá mà người sử dụng đàm phán trực tiếp với nhà sản xuất trước thời điểm ủy thác cho Hiệp hội quản lý, chúng tôi đã thống kê và thống nhất ý kiến với các nhà sản xuất để đưa ra biểu giá chung cho Hiệp hội.
RIAV có nhiều phương án để thu phí sử dụng. Cái chúng tôi cần ở đây là sự tôn trọng. Chúng tôi đưa ra biểu giá và các phương án chi trả theo mức độ sử dụng âm nhạc và tác động từ bản ghi của các nhà sản xuất lên sản phẩm của đơn vị kinh doanh phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ quốc tế.
- Nhiều người cho rằng mức phí này quá cao và không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng chi trả được. Ông nghĩ sao?
- Mỗi đơn vị sử dụng đều có những quan điểm khác nhau. Chúng tôi không thể làm hài lòng tất cả. Nhà sản xuất luôn mong muốn sản phẩm của mình được đánh giá đúng và được chi trả theo đúng giá trị mà tác phẩm của họ đóng góp cho đơn vị kinh doanh. Khi kinh doanh sản phẩm của người khác thì đương nhiên anh phải trả tiền mua sản phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh rằng, RIAV khuyến khích các nhà kinh doanh chân chính đánh giá đúng giá trị sản phẩm trí tuệ và có hành động tương xứng để bày tỏ thiện chí. Chúng tôi cần sự tôn trọng.
- Xu hướng của thế giới đang tiến đến việc xóa bỏ những rào cản về chi phí sử dụng nhạc trực tuyến. Theo ông, việc RIAV đưa ra một chính sách như vậy liệu có khả thi?
- Chúng tôi khẳng định không có những việc xóa bỏ rào cản như vậy. IFPI (Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế) và cả WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) đều đưa ra quan điểm lành mạnh hóa thị trường nhạc trực tuyến. Chí phí tiền bản quyền hoàn toàn không phải là rào cản. Thậm chí, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, đây còn là động lực để tiến tới một thị trường âm nhạc lành mạnh, văn minh và là xu thế tất yếu.
Nhạc trực tuyến VN còn manh mún nhưng giàu tiềm năng
FPTmusic - dự án âm nhạc bản quyền đầu tiên tại VN
Thị trường nhạc số Việt Nam còn manh mún
Chính sách của RIAV tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật sở hữu trí tuệ cũng như các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia cùng quy tắc xử sự chung trong ngành công nghiệp ghi âm.
Vấn đề thực thi bản quyền tác giả âm nhạc luôn bị phản kháng từ các đối tượng bị quy phạm pháp luật này điều chỉnh. Tuy nhiên, đây là sự công bằng cho người sáng tạo hoặc đầu tư để tạo ra tác phẩm, công bằng cho xã hội vì sẽ có ngày càng nhiều tác phẩm giá trị. Nếu như tất cả mọi người thực thi nghiêm túc, lợi ích của nó sẽ được phát huy tối đa, chúng ta đều nhận thấy điều đó.
- Trên Internet ngày càng xuất hiện nhiều website chia sẻ có nội dung kiểu như Youtube và hấp dẫn số lượng lớn người truy cập và sử dụng. Điều này gây áp lực không nhỏ đối với những trang web thương mại hóa âm nhạc. Ông nghĩ gì về xu hướng này?
- Theo pháp luật Việt Nam, chúng tôi có thể khẳng định bất cứ website nào sử dụng nội dung âm nhạc thuộc quyền quản lý của chúng tôi mà không được sự đồng ý đều vi phạm pháp luật.
RIVA có đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như điều kiện khác đảm bảo quyền này được thực thi. Thậm chí, việc chia sẻ này cũng được thể hiện rõ qua biểu giá của Hiệp hội. Các đơn vị kinh doanh hợp pháp đương nhiên luôn nhận được sự ủng hộ từ phía Hiệp hội để chống lại các hành vi xâm phạm.
Căn cứ vào công văn số 22/BQTG của Cục Bản quyền tác giả và công văn số 02/RIAV/08 của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã yêu cầu chủ sở hữu các website tháo dỡ file âm nhạc không có bản quyền, đồng thời trước khi phát hành trên mạng Internet các sáng tạo âm nhạc, phải làm thủ tục xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc thông qua Hiệp hội đại diện. Trong tháng 3, các website phải thanh toán tiền nhuận bút cho chủ thể quyền tác giả và quyền liên quan. Mức giá bản quyền được RIAV đưa ra là 1 triệu đồng cho một bài hát trên một website, tính trong 1 năm. Alexa thống kê, trong 100 website hàng đầu VN có khoảng 30 trang âm nhạc. Tuy nhiên, tất cả đều chưa thu được đồng phí nào từ việc tải và nghe nhạc của người truy cập. Trong năm 2006, IFPI (Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế) đã thu 2 tỷ USD từ việc sử dụng bản ghi âm nhạc thông qua bán trực tuyến hoặc điện thoại di động, gấp đôi năm 2005 và đạt 10% doanh thu nền công nghiệp ghi âm. |
Nguyễn Hằng thực hiện