Khách hàng thanh toán tại một siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Reuters. |
Người Việt Nam đang trải qua cơn "sốc nặng" khi mức độ lạm phát tăng 12,6%, kéo theo giá thực phẩm, nhiên liệu và vật liệu xây dựng lên cao. Mức tăng này là lớn nhất trong 10 năm qua và cao hơn hẳn mặt bằng chung ở các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á.
"Giá thì lúc nào cũng tăng, nhưng lương chỉ tăng mỗi năm có một lần", cô công nhân Hà 32 tuổi, có thu nhập chưa đầy 3 triệu mỗi tháng, than phiền khi đứng ở quầy thịt của siêu thị. Thịt lợn ở đây được bán với giá 70.000 đồng mỗi kg, trong khi cách đây hai tháng giá chỉ là 50.000, tăng 40%.
Giá cả tăng chóng mặt đang là một thách thức lớn đối với chính phủ, trong nền kinh tế định hướng thị trường hiện nay. Mấy tháng gần đây, hàng nghìn công nhân các nhà máy dệt may ở ngoại vi thành phố HCM, nơi có vốn đầu tư của Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan, đã đình công đòi tăng lương cho kịp với tốc độ lạm phát.
Quyết định tăng lương tối thiểu của chính phủ đã bị lấn át bởi mức tăng giá tiêu dùng quá nhanh. Trong khi các nhà đầu tư đang chọn mua vàng miếng, nhiều công nhân đòi lương của họ được quy đổi theo giá vàng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng mức độ lạm phát hai con số là đáng lo ngại bởi người nghèo sẽ phải ăn ít hơn, trong khi Việt Nam hiện có thu nhập bình quân đầu người chỉ là 835 USD và đang tự hào về thành tích xóa đói giảm nghèo trong mười năm qua.
Chính phủ, với cam kết "chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế định hướng thị trường mang các đặc điểm của Việt Nam", rất quan tâm đến vấn đề khoảng cách giàu nghèo. Theo thống kê của nhà nước, 20% số người giàu nhất có mức sống cao gấp 7 lần nhóm 2% dân số nghèo nhất.
"Vấn đề đối với chính phủ là phải làm người nghèo hiểu rõ rằng họ cũng đang được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng kinh tế 8%", ông Jonathan Pincus, trưởng chuyên gia kinh tế của UNDP tại Hà Nội, nhận xét.
Pincus và và các chuyên gia khác, đặc biệt là IMF, đã thúc giục Ngân hàng Nhà nước kiềm chế tăng trưởng tín dụng. Mức tăng tín dụng ngân hàng đạt 37% trong năm ngoái, nhưng chính phủ hiện còn ngần ngừ đối với chuyện tăng lãi suất.
Giới chức cho rằng việc dòng USD chảy vào Việt Nam qua các kênh kiều hối và đầu tư nước ngoài là yếu tố chính dẫn đến lạm phát, bởi nó khiến Ngân hàng Nhà nước phải mua đôla vào để giữ giá tiền đồng.
"Chúng tôi cần có chính sách tốt để hút tiền đồng ra khỏi lưu thông", ông Trần Du Lịch, trưởng chuyên gia của Viện nghiên cứu kinh tế TP HCM, nói. "Chính phủ biết rõ những nguyên nhân dẫn đến lạm phát cũng như cách giải quyết vấn đề, trong đó có các biện pháp về tiền tệ".
Trong một động thái nhằm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã ra lệnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền đồng và ngoại tệ. Cuối năm ngoái, ngân hàng cũng điều chỉnh về chính sách, cho phép tiền đồng lên giá một chút so với USD.
Một chuyên gia kinh tế châu Á làm việc chho ngân hàng HSBC nhận định tiền đồng có thể tăng 1% trong năm 2008 và 2% trong năm 2009.
"Điều này có thể giúp kiềm chế lạm phát, bởi các chuyên gia cho rằng cứ 1% lên giá của tiền đồng so với đôla Mỹ thì sẽ giảm được 1-1,5 điểm phần trăm lạm phát trong thời gian 12 tháng", ông Prakriti Sofat nói.
Công nhân các nhà máy và người già - những người bị ảnh hưởng nhất khi giá tiêu dùng tăng, có thể hoan nghênh điều này vì họ sẽ dễ thở hơn một chút, bởi hiện sức mua của họ đối với những mặt hàng thiết yếu đã giảm nhiều. Rất nhiều công nhân ở 14 khu công nghiệp quanh TP HCM chỉ kiếm được khoảng 1,5 triệu đồng lương tháng.
Bà Uông Mỹ Dung, 50 tuổi, là chủ một tiệm cơm bụi lề đường tại một khu vực có nhiều công nhân may hoặc làm bốc vác ở cảng Sài Gòn thuê nhà. Bà bán mỗi suất cơm với thịt lợn và rau với giá 13.000 đồng, giá hồi năm ngoái là 8.000 đồng.
Trung bình, mỗi ngày bà Dung phải bỏ thêm vốn vào xe cơm của mình 160.000 đồng so với trước, do giá gạo tăng. Năm ngoái, mỗi yến gạo tốn 50.000 đồng, còn bây giờ là 70.000.
T. Huyền (theo Reuters)