Liên tục 3 ngày nay (từ 12/2), các xã vùng cao của huyện Sapa (tỉnh Lào Cai) đã xuất hiện mưa đông kết tạo thành băng giá với cường độ nặng. Càng lên cao băng giá dầy hơn và thời gian tồn tại cũng lâu hơn, có khi cả ngày. Đặc biệt khu vực chân và lưng đỉnh dãy núi Hoàng Liên Sơn quan sát được cả một vùng trắng xoá. Băng bám đầy trên đường đi, ngọn cỏ, kéo đổ một số cây cối.
Chị Lê Thị Liên, trưởng trạm khí tượng Sapa, cho biết, nhiệt độ thấp nhất sáng nay tại Sapa xuống -2 độ C. Tại thị trấn, nơi vốn đông người qua lại, băng giá phủ trên các nóc nhà cao tầng thành những tấm kính mỏng. Còn những ngôi nhà cấp bốn, mái lợp ngói xi măng, băng kết tủa giống như những thanh gươm trắng xóa.
"Ngay tại trạm khí tượng, cách thị trấn một km, băng cũng bám đầy lối đi gây trơn trượt. Lều đặt máy khí tượng bị băng bám dày đặc. Tôi trực trạm sáng nay phải lấy dao cậy băng, rồi dùng nước phích nóng đổ vào và phải mất 10 phút mới mở được cửa", chị Liên kể. Chị cho biết hôm nay băng phủ còn dày hơn hôm qua. Tại thị trấn, đến giữa trưa, băng bắt đầu tan chảy.
![]() |
Băng giá tại Sapa ngày 13/2. Ảnh: Báo Lào Cai. |
Dù cao hơn mực nước biển trên 1.700 m, nhưng hàng chục năm nay, đỉnh núi Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) không có băng giá. Tuy nhiên vào các ngày 12-14/2, tại đỉnh núi này, người dân đã chiêm ngưỡng những mảng băng trắng muốt phủ đầy trên cây cối. Chị trực ban Trạm khí tượng Bắc Yên cho biết khả năng hôm nay băng còn phủ dày hơn, bởi nhiệt độ xuống thấp hơn hôm qua chừng 1 độ C.
Cao Bằng cũng là tỉnh rất hiếm khi xuất hiện băng giá. Nhưng mấy ngày trước Tết, băng giá đã phủ kín đỉnh núi Khe Đén thuộc huyện Nguyên Bình. "Mấy hôm nay, trời tiếp tục rét đậm, khả năng băng vẫn xuất hiện, nhưng ít hơn đợt trước. Bởi nhiệt độ tại thị xã Cao Bằng vẫn thấp, chỉ 5-6 độ C. Núi Khe Đèn cao hơn 1.600 m, nhiệt độ có thể dưới 1 độ C", ông Lương Văn Trường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, cho biết.
Tại Hà Giang, ông Nguyễn Đình Hợp, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, thông báo đã nhận được tin băng giá trên các đỉnh núi cao của huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Tuy nhiên, do điều kiện xa xôi, các đỉnh núi cao lại không có trạm khí tượng nên chưa thể xác minh chính xác ngày giờ, mức độ bao phủ của băng.
Bắt đầu từ 14/1, đến hôm nay đã là ngày thứ 31 rét đậm, rét hại. Giám đốc nhiều đài khí tượng miền Bắc cho rằng hiện tượng này rất hiếm gặp, phải từ năm 1968 trở lại đây mới có một đợt rét kéo dài, mức độ lại khốc liệt như năm nay. "Nhiều dấu hiệu cho thấy quy luật bình thường của thời tiết trong mùa đông đã bị phá vỡ", ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, nhận xét.
Ông Toàn dẫn chứng, tỉnh Sơn La nằm trong vùng Tây Bắc Bộ, rét đậm, rét hại kéo dài thường chỉ xuất hiện vào nửa đầu mùa đông, khoảng từ tháng 12 đến giữa 1 năm sau. Lúc ấy là rét khô, trời không mưa. Nhưng năm nay rét đậm, rét hại lại kéo dài suốt từ ngày 23/12/2007 đến nay. Trời rét, kèm theo mưa phùn. "Dự báo, vùng Tây Bắc rét đậm, rét hại còn kéo dài 10 ngày nữa", ông Toàn nói.
Các khu vực vốn được coi là ấm áp trong mùa đồng như lòng chảo Điện Biên, nhưng năm nay nhiệt độ cũng xuống rất thấp, dưới 10 độ C. Sáng nay, nhiệt độ tại thành phố Điện Biên xấp xỉ 9 độ C, Mường Lay gần 10 độ C. Một số khu vực như Tam Đường (Lai Châu) chỉ còn hơn 3 độ C. Đặc biệt, vùng núi Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu cũng đã xuất hiện băng giá, khi nhiệt độ xuống dưới 1 độ C. Đây là hiện tượng cực kỳ hiếm gặp.
Hồng Khánh - Lưu Hải