Từ ngày 6/2 (tức 30 Tết), miền Bắc trời bắt đầu ấm dần, giữa trưa có nắng. Như trưa nay, nhiệt độ tại Hà Nội, Hải Phòng trên 14 độ C, Việt Trì gần 14 độ C. Tuy nhiên, nếu tính trung bình nhiệt độ thấp nhất và cao nhất trong ngày thì người dân miền Bắc vẫn đang chịu đựng rét đậm (dưới 15 độ C).
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, khối không khí lạnh sẽ duy trì cường độ mạnh trong 3-4 ngày tới. Đến đêm 12, ngày 13/2, nhiều khả năng miền Bắc phải đón nhận thêm một đợt không khí lạnh tăng cường. Do đó, từ nay đến ngày 18/2, các tỉnh Đông Bắc Bộ (gồm cả Hà Nội) và Thanh Hóa tiếp tục rét đậm, rét hại. Nhiệt độ tại Sơn La dao động 8-14 độ C, Việt Trì 11-15 và Hà Nội 11-17 độ C.
![]() |
Trời rét, trẻ em thích vận động cho ấm người. Ảnh: H.K. |
Tại miền Trung, đèo Hải Vân đã chia thời tiết khu vực này thành hai hình thái rõ rệt. Phía bắc đèo do chịu tác động của không khí lạnh nên các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn rét đậm, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế trời ấm hơn, song cũng khá rét. Phía nam đèo, trời chỉ se lạnh ở một số tỉnh như Quảng Nam, Đà Nẵng.
Bắt đầu từ ngày 14/1, đợt rét đậm, rét hại này có khả năng vượt kỷ lục về thời gian so với năm 1989 (kéo dài 28 ngày, từ 13/1). Tại nhiều nơi như Lạng Sơn, Lào Cai và cả Cao Bằng đã xảy ra băng giá, tuy nhiên tuyết vẫn chưa rơi. Ông Lưu Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai, nhận định nhiều khả năng tháng 2 sẽ còn rét khốc liệt, giống như tháng 2/1968.
Tại Lào Cai, rét tháng 2/1968 đã đi vào lịch sử với những trận mưa tuyết kéo dài và cường độ mạnh. Có những vùng vốn chưa bao giờ có tuyết rơi, nhưng năm đó tuyết đã xuất hiện, như Lùng Phìn, Lùng Cải, Bản Già, Tả Củ Tỷ… của huyện Bắc Hà; Quan Thần Sán, Lùng Sui, Sán Chải… của huyện Si Ma Cai và Pha Long, Tả Ngải Chồ, Tung Trung Phố của huyện Mường Khương.
Hồng Khánh