Không gian xanh mát, trong lành, tràn ngập hoa lá cỏ cây và vi vút thông xanh là phông nền làm nổi bật giá trị các tác phẩm điêu khắc, hội họa nơi đây.
Bức tranh nghệ thuật đương đại giữa rừng
Art In The Forest (AIF) ra mắt lần đầu tiên năm 2015 tại khu resort có không gian nghệ thuật bên hồ lớn nhất Việt Nam - Flamingo Đại Lải Resort và đã tạo ra nguồn cảm hứng mới về triển lãm giữa rừng.
Gần 100 tác phẩm hội họa và điêu khắc từ hàng chục nghệ sĩ trong, ngoài nước trải qua các kỳ AIF thường niên, được trưng bày trong khuôn viên của resort 5 sao ven hồ Đại Lải. Tất cả trải dài từ cổng vào đến các con đường nội khu, nổi bật giữa không gian của rừng và vườn, hòa quyện với vẻ đẹp của kiến trúc xanh trên cao.
Đó là các tác phẩm điêu khắc, hội họa của các nghệ sĩ từ Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Tây Ban Nha...
Không gian này được coi là sân chơi cho các nghệ sĩ nhiều thế hệ "rong chơi" trong thế giới sáng tạo của mình. Bởi ở đó, các tác phẩm được sáng tạo và trưng bày tại chỗ, thời gian triển lãm kéo dài, nghệ sĩ có thể "thăm nom", chỉnh sửa tác phẩm thường xuyên.
Hoàn toàn khác với một số triển lãm đưa tác phẩm đến với công chúng trong vài ngày rồi... lưu kho, hay vài năm sau nghệ sĩ quay lại thì tác phẩm của mình đã xuống cấp nặng nề. Mỗi tác phẩm tại AIF đều có một "đời sống riêng" của nó giữa thiên nhiên khoáng đạt. Lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ được trân trọng. Còn công chúng có thêm một triển lãm ngoài trời mãn nhãn, nơi lưu giữ những giá trị của nghệ thuật đương đại theo thời gian.
Không gian "đắt giá" cho từng tác phẩm
Tham gia triển lãm năm nay là 9 gương mặt nghệ sĩ ở các mảng điêu khắc và hội họa. Họ mang đến resort những tác phẩm tâm đắc về đề tài cuộc sống, thiên nhiên và con người qua những trải nghiệm khác biệt về tuổi đời hay góc nhìn.
Mỗi năm, AIF lại mang về "bảo tàng" giữa rừng của mình nhiều tác phẩm đa dạng trong cách thể hiện, phong phú về ý tưởng, công phu trong cách đầu tư. Thiên nhiên dường như là một phần của tác phẩm. Thoát ra khỏi phòng tranh với bốn bức tường, thoát ra khỏi không gian nhỏ hẹp của những triển lãm "công nghiệp", nghệ sĩ như "cá gặp nước", còn tác phẩm được phô hết vẻ đẹp của mình giữa một không gian rộng, xanh, không trộn lẫn.
Nhắc đến AIF 2018, Lê Thanh Tùng – họa sĩ trẻ lần đầu tiên tham dự triển lãm, cho biết: Điều lớn nhất hấp dẫn Tùng chính là không gian triển lãm khoáng đạt, xanh mát của resort.
"Một tác phẩm nghệ thuật chỉ có thể chạm đến cảm xúc của người xem nếu được đặt trong một không gian phù hợp. Tôi từng tham gia nhiều triển lãm nhưng hiếm có triển lãm nào có sự đầu tư lớn về không gian đến thế", Lê Thanh Tùng chia sẻ.
Còn với nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ, khách mời danh dự AIF 2018, ông đánh giá cao về sự đầu tư không gian nghệ thuật đương đại cho các nghệ sĩ trẻ. Theo ông, với một triển lãm có tiếng như AIF, đây chắc chắn sẽ là "cú hích lớn" với các nghệ sĩ trẻ.
"Chắc chắn AIF sẽ tạo động lực lớn cho người trẻ, để họ có thể tiếp tục say mê sáng tạo, trong lứa tuổi có thể coi là tinh hoa của mình trên con đường nghệ thuật", ông Trần Hoàng Cơ khẳng định.
Xây dựng không gian sáng tạo đích thực, tôn vinh những nghệ sĩ tài năng chân chính, mang tác phẩm đương đại đến gần hơn với công chúng là mục tiêu của điều chủ đầu tư Flamingo với các dự án nghệ thuật nhiều năm nay. Một bảo tàng nghệ thuật đương đại giữa rừng lớn nhất Việt Nam, quy tụ hàng trăm tác phẩm hội họa và điêu khắc được tích lũy qua từng năm, đã và đang thành hình, góp thêm một công trình nhân văn vào dòng chảy nghệ thuật đương đại vốn còn khan hiếm những "sân chơi" có tầm.
Tại lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, phó Chủ tịch thường trực Hội mỹ thuật Việt Nam đánh giá đây là một không gian công cộng mang màu sắc văn hóa lớn, có sự tương tác giữa công chúng và nghệ thuật, bất kỳ ai đến đây cũng cảm thấy nhẹ nhõm tận hưởng giá trị nghệ thuật.
"Flamingo đã khẳng định uy tín hàng đầu của họ trong vai trò tiên phong, tạo động lực thúc đẩy nghệ thuật phát triển. Tôi hy vọng tín hiệu vui này sẽ lan truyền đến các doanh nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam", ong Đoàn nói.
Kim Ngân