![]() |
Trong ngày khánh thành tòa nhà Trung tâm thiết kế Renesas tại Khu chế xuất Tân Thuận vào ngày 18/10 vừa qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Cang, Phó Tổng Giám Đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiết kế Renesas Việt Nam.
- Tại sao Renesas lại chọn Khu chế xuất Tân Thuận làm nơi đặt trung tâm?
- Khi mới bước vào thị trường Việt Nam, các chuyên gia của Renesas đã tiến hành khảo sát rất nhiều nơi. Cuối cùng, chúng tôi chọn Tân Thuận, vì 4 nguyên nhân: thứ nhất, vị trí gần trung tâm quận 1 sẽ dễ dàng đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho các chuyên gia nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam. Thứ hai, việc giao nhau giữa nơi đặt trụ sở Công ty và đại lộ Nguyễn Văn Linh tạo nên một đầu mối giao thông thuận lợi. Thứ 3 là ngành thiết kế bán dẫn cần nguồn điện ổn định và nhà máy điện Hiệp Phước lại đáp ứng được điều đó. Cuối cùng, thủ tục hải quan trong việc nhập khẩu máy móc thiết bị cũng thuận lợi hơn do chi cục Hải Quan Tân Thuận nằm tại khu chế xuất Tân Thuận.
- Khó khăn lớn nhất của Renesas Việt Nam (RVC) trong những ngày đầu là gì?
- Đó là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực. Đối với nhiều người, ngành công nghệ bán dẫn vẫn còn khá mới, thì sẽ không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi chỉ tuyển được 10% trong tổng số ứng cử viên. Bởi vì, yêu cầu cần thiết cho công việc thiết kế bán dẫn là người kỹ sư cần phải có trình độ tiếng Anh khá và kiến thức kỹ thuật cơ bản tốt. Thời điểm đó, đội ngũ của RVC chỉ có 6 chuyên gia và khoảng 20 kỹ sư.
- Nguồn cung nhân lực trong ngành bán dẫn không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường. Mỗi một thương hiệu đều có những chiêu thức riêng để giữ nhân tài. Vậy Renesas đã có những chiến lược gì trong vấn đề này?
- Nói cạnh tranh cũng đúng nhưng chưa hẳn, vì thực tế những tên tuổi làm cùng ngành tại Việt Nam quá ít. RVC thì nghiêng về thiết kế, tìm ra giải pháp tối ưu, còn các công ty khác lại nghiên về sản xuất. Hoạt động ở hai mảng khác nhau nên không có chuyện cạnh tranh về mặt kinh doanh. Về những chương trình đào tạo, chúng tôi vẫn có sự hợp tác để hỗ trợ cho các trường đại học như: giáo trình, trang thiết bị hay giảng viên…
- Nếu gặp rắc rồi về nguồn nhân lực phục vụ cho công việc như thế, tại sao Tập đoàn Renesas lại quyết định đầu tư hơn 30 triệu USD vào Trung tâm thiết kế tại Việt Nam?
- Hiện nay, tập đoàn Renesas đang có chiến lược đầy mạnh các hoạt động bán hàng và mảng thiết kế. Theo tôi, nhân viên người Việt rất chăm chỉ và học nhanh nhưng cái thiếu ở họ là môi trường để phát huy. Do đó, sự ra đời của Trung tâm thiết kế bán dẫn này sẽ là nơi cho kỹ sư Việt Nam rèn luyện kỹ năng và nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn. Việc đào tạo ra đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao không phải là chuyện một sớm một chiều, do đó việc đầu tư này tôi nghĩ rất cần thiết. Hiện nay, RVC đang phối hợp với một số trường trong nước để triển khai hợp tác những chương trình như: góp ý cho giáo trình mới, tổ chức hội thảo về kỹ thuật do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm, gửi giảng viên sang truyền đạt môn học mới về ngành bán dẫn. Mặt khác, các kỹ sư Việt Nam đang làm việc tại Renesas sẽ có cơ hội làm việc và trao đổi kiến thức kỹ thuật với những kỹ sư của các chi nhánh Renesas trên toàn cầu.
Việc thành lập Trung tâm thiết kế tại Việt Nam cũng thể hiện hướng đi của Renesas là tạo ra những cái có giá trị theo chiều sâu, chủ yếu là lao động chất xám. Bởi ý tưởng là một điều vô cùng quan trọng. Nó liên quan đến sự cạnh tranh không chỉ giữa Renesas với những công ty cùng ngành, mà còn ảnh hưởng đến khách hàng của Renesas. Nếu tôi nhớ không lầm thì tại Singapore, chính phủ sẵn sàng hỗ trợ 50% chi phí cho những công ty nào muốn đặt trung tâm thiết kế tại đây.
- Khả năng ảnh hưởng đến khách hàng được thể hiện như thế nào, thưa ông?
- Đối với những sản phẩm công nghệ thì thời điểm tung một sản phẩm mới ra thị trường vô cùng quan trọng. Sản phẩm đi tiên phong bao giờ cũng có lợi cả về mẫu mã lẫn giá cả bán ra thị trường. Do đó, những công ty đi sau nếu muốn cạnh tranh buộc phải hạ giá sản phẩm. Nếu tình trạng đó kéo dài sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Mặt khác, mỗi công ty đều có phân khúc khách hàng nhất định. Chẳng hạn với Renesas, chúng tôi có những khách hàng lớn như: Toyota, Canon hay các hãng điện thoại di động…Và điều khiến chúng tôi quan tâm là phải tạo ra những giá trị mới để không chỉ mình mà khách hàng cũng đạt được lợi ích. Lợi ích ở đây được thể hiện ở 3 điểm: chi phí sản xuất, tiện ích đa dạng cho sản phẩm của khách hàng và lợi nhuận mang về cho cả hai.
- Tại sao Renesas không tạo nên một chuỗi gia công như những Tập đoàn công nghệ khác thay vì phải đầu tư trực tiếp, như thế vừa tiết kiệm chi phí sản xuất lại tận dụng được nguồn nhân công giá rẻ?
- Có lẽ đây là triết lý kinh doanh của người Nhật chứ không riêng gì Renesas. Đối với ngành công nghệ bán dẫn tại Nhật Bản trong những ngày đầu, nhà sản xuất vẫn muốn được tham gia xuyên suốt trong tiến trình làm ra một sản phẩm, từ thiết kế, sản xuất cho đến công đoạn tiêu thụ sản phẩm. Để đáp ứng cho những nhu cầu đó, RVC cũng đang hướng đến việc tuyển thêm 500 kỹ sư từ đây cho đến năm 2009. Điều này cũng sẽ giúp tạo ra sự đa dạng trong ý tưởng thiết kế.
RENESAS TECHNOLOGY CORP.
· Thành lập vào tháng 4/2003 tại Nhật
· Renesas Technology Corp. là sự hợp tác giữa 2 tập đoàn bán dẫn lớn tại Nhật là Hitachi, Ltd (55% vốn) và Mitsubishi Corporation (45% vốn).
· Tổng vốn của Renesas Technology Corp: 50 tỷ Yên
· Hệ thống công ty con: 44 công ty (Nhật Bản: 20 và các nước khác 24)
· Số nhân viên: 26.500 người (thống kê 3/2007)
· Kinh doanh: cung cấp những sản phẩm và kỹ thuật cho nhiều ứng dụng trong điện thoại di động, thiết bị định vị trong xe hơi, điều khiển màn hình tinh thể lỏng (LCD), chip điện MOSFET cho màn hình tivi Plasma …
· Doanh thu trong năm 2006: 952,6 tỷ yên
· Slogan: “Everywhere you imagine” (Ở nơi nào mà khách hàng nghĩ đến, thì sản phẩm của Renesas có mặt ở nơi đó)
· Renesas vào Việt Nam năm 2004 và thành lập Công ty TNHH Thiết kế Renesas Việt Nam với số vốn ban đầu là 10.2 triệu USD.