Rei Kawakubo - người sáng lập của nhà mốt Comme de Garçons - bước sang tuổi 78 ngày 11/10. Hơn 50 năm sự nghiệp, những thiết kế của bà được Vogue đánh giá kỳ lạ, táo bạo, phá vỡ các chuẩn mực thời trang. Nhà tạo mốt Donna Karan nói trong một buổi phỏng vấn ở Nhật Bản: "Rei Kawakubo thú vị với tư cách một phụ nữ và một nhà thiết kế. Con người bà rất trầm lặng, nhưng váy áo lại có những tuyên ngôn thời trang lớn".
Những lần xuất hiện công khai, nhà thiết kế thường diện đồ đen che kín vóc dáng nhỏ bé, tóc bob với phần mái dày và đeo kính râm. Không giống nhiều nhà thiết kế thường xuất hiện cuối show cúi chào khán giả, Kawakubo hiếm khi xuất hiện trên đường băng và không hay diễn giải về cảm hứng, ý nghĩa trang phục, bởi không muốn các thiết kế của mình trở nên dễ hiểu, đơn giản.
Bà ít nhận phỏng vấn với báo chí, thoải mái khi trả lời email hơn gặp gỡ trực tiếp. Bởi vậy, những lần nói chuyện với nhà thiết kế thường có nhan đề: "Cuộc phỏng vấn hiếm hoi", "Chia sẻ từ Kawakubo nổi tiếng ẩn dật". Tuy nhiên, bà không đọc những bài báo viết về mình. Chồng bà kiêm giám đốc điều hành Comme de Garçons - Adrian Joffe - thường ở cạnh vợ những lần trả lời phóng viên, đóng vai trò như phiên dịch viên đồng thời trấn an cảm xúc, bảo vệ Kawakubo khỏi những câu hỏi khiếm nhã.
Cây bút Lynn Yaeger của Vogue nhớ lại một lần gặp mặt Kawakubo khi Comme de Garçons ra mắt mẫu nước hoa đầu tiên. Một buổi tiệc dành riêng cho bà được tổ chức tổ chức tại Barneys. Mọi người đều tận hưởng niềm vui, nhưng nhân vật chính đứng trong góc, nhìn chằm chằm xuống sàn nhà. Nhiều năm sau, Yaeger thực hiện phỏng vấn với nhà thiết kế, nhận ra tình cảnh y hệt ngày trước: "Tôi khá lo lắng, nhưng trông bà ấy (Rei Kawakubo) còn bồn chồn hơn tôi".
Bên trong người phụ nữ nhút nhát là sự nổi loạn, sáng tạo mãnh liệt. Rei Kawakubo sinh năm 1942 tại Tokyo trong gia đình gồm ba anh chị em. Cha bà là giảng viên đại học Keio trong khi mẹ là cựu giáo viên tiếng Anh, nghỉ làm để sinh và nuôi con. Sau này, gia đình tan vỡ bởi người bố không muốn vợ mình tiếp tục đi làm khi các con đã lớn. Với hầu hết phụ nữ Nhật Bản thời đó, lời chồng là luật, nhưng mẹ bà không chấp nhận và bỏ đi. Theo New Yorker, chính điều này đã hình thành nên sự tự chủ và nổi loạn của Kawakubo.
Năm 1960, bà ghi danh vào đại học của cha, chuyên ngành Lịch sử Mỹ học, nghiên cứu nghệ thuật phương Đông và phương Tây. Kawakubo tốt nghiệp năm 1964, tiếp tục làm trong bộ phận quảng cáo của công ty dệt Asahi Kasei và chuyển sang làm stylist tự do năm 1967. Hai năm sau, cô gái trẻ quyết định tự thiết kế bởi khó tìm được trang phục phù hợp thẩm mỹ. Việc không theo học thời trang bài bản khiến bà không thể tự cắt may trang phục mà phải truyền đạt ý tưởng đến thợ. Nhưng điều đó lại giúp Kawakubo ít bị ảnh hưởng bởi định kiến may đo như các bậc thầy thời trang.
Năm 1973, thương hiệu Comme de Garçons ra đời - cái tên tiếng Pháp mang nghĩa "như một chàng trai". Kawakubo không chọn với hàm nghĩa đặc biệt nào mà chỉ đơn giản yêu thích âm điệu cụm từ. Bà bước đầu bán trang phục trong những cửa hàng ở Ginza (Nhật Bản), tuy nhiên thiết kế thuở đầu đơn giản, phổ thông. Sau gần 10 năm, tên tuổi Kawakubo nổi tiếng trong nước, gắn liền với sắc đen, xám, trắng và những trang phục trừu tượng được người hâm mộ gọi là "quạ đen".
Năm 1981, Kawakubo lần đầu giới thiệu bộ sưu tập ở Paris. Những trang phục nhàu nhĩ, quá khổ, bất đối xứng với phom dáng kỳ lạ phá vỡ chuẩn mực thời trang Tây phương đương thời vốn chuộng thiết kế tôn vinh đường nét cơ thể và sự quyến rũ. Giới mộ điệu tranh cãi gay gắt trước luồng gió lạ tới từ phương Đông. Nhiều người coi những thiết kế là kém cỏi, kỳ dị trong khi số khác ca ngợi tư duy mới mẻ, đáng kinh ngạc.
Các bộ sưu tập như Holes (Thu Đông 1982-1983), Patchworks and X (Xuân Hè 1983), Body Meets Dress - Dress Meets Body (Xuân Hè 1997), Not Making Clothing (Xuân Hè 2014)... mang tính cách mạng, phù hợp để trình diễn hơn là ứng dụng. Áo không tay, những phần đệm lồi kỳ quặc ở quanh thân váy, những chiếc mũ, tay, cổ áo khổng lồ, áo trong suốt... đều khiến người hâm mộ xôn xao bàn tán.
Mỗi mùa mốt sẽ bắt đầu bằng việc Rei Kawakubo trình bày cảm hứng cho đội ngũ thiết kế của mình. Nhà tạo mốt kiệm lời nhưng khả năng sáng tạo không giới hạn khiến các thợ may vất vả bắt kịp. Ý tưởng của bà trừu tượng, khó nắm bắt, có khi chỉ là mảnh giấy nhăn nhúm trên bàn hay những cụm từ khó hiểu. Nhà thiết kế nói trên Dezeen: "Tôi luôn bắt đầu từ con số 0, cố gắng tạo ra những thứ chưa từng tồn tại. Tôi không vẽ phác thảo hay tạo kiểu, quá trình sáng tạo thực hiện hầu hết bằng lời nói và trí tưởng tượng". Có giai đoạn, các cửa hàng của Comme de Garçons không có gương soi bởi bà muốn khách hàng cảm nhận trang phục bằng cơ thể thay vì hình ảnh phản chiếu trong gương.
Hoàn thành sản phẩm này, bà bắt tay thực hiện ý tưởng khác. Màu đen làm nên thương hiệu dần được thay thế bằng bảng màu tươi sáng, hoa văn rực rỡ bởi bà không muốn sự lặp lại. Những cống hiến của Kawakubo được làng mốt quốc tế ngưỡng mộ, trở thành chủ đề cho Met Gala 2017 với tên "Rei Kawakubo - Comme des Garçons: Art of the In-Between". Bà trở thành nhà thiết kế thứ hai sau Yves Saint Laurent có triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan khi còn sống. Năm 2019, bà được vinh danh tại Giải thưởng Isamu Noguchi, trao cho những nhà thiết kế mang tinh thần đổi mới, phát triển giao thoa văn hóa Đông - Tây.
Rei Kawakubo nói với The Cut: "Tôi thực sự lo sợ một ngày nào đó mình không thể tiếp tục sáng tạo, đồng nghĩa tôi không thể tiến về phía trước". Ở tuổi 77, bà vẫn miệt mài tham gia mọi khâu thiết kế của 14 dòng sản phẩm thời trang và hơn 700 cửa hàng trên toàn thế giới.
Bảo Thư