Những ngày đầu tháng 10, người trồng rau xã Văn Đức hối hả hơn do bắt đầu vào vụ sản xuất lớn nhất trong năm. Trên những ruộng xu hào, bắp cải, cải thảo, súp lơ..., người dân tỉ mẩn nhặt cỏ, bắt sâu bằng tay.
Từ hơn 10 năm nay, toàn bộ 250 ha trồng rau của xã Văn Đức được chuyển qua trồng theo tiêu chuẩn rau an toàn, trong đó 37,9 ha theo quy trình VietGAP. Nông dân trồng rau theo quy trình chuẩn, đất không bị nhiễm độc, nước tưới không bị ô nhiễm, giống cây nguồn gốc rõ ràng, phân bón nằm trong danh mục được phép, không dùng thuốc hóa học bị cấm và ưu tiên dùng thảo mộc hoặc sinh học.
Quá trình thu hoạch, sơ chế, vận chuyển nông dân cũng phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt như loại bỏ lá héo, dị dạng; từ khi đóng gói tới người tiêu dùng thường trong 2 tiếng, bảo quản ở 20 độ C và lưu kho không quá 2 ngày. Mỗi túi rau VietGAP được dán tem, ghi địa chỉ sản xuất, mã QR Code để truy xuất nguồn gốc.
Theo ước tính, mỗi năm vựa rau Văn Đức cho thu hoạch 37.000 tấn, trong đó khoảng 5.000 tấn rau VietGAP, song chỉ 20% đi vào siêu thị. Số còn lại nông dân phải bỏ mác rau an toàn, rau VietGAP để bán cho các thương lái đổ về chợ đầu mối trong và ngoài Hà Nội.
Cặm cụi ngồi nhổ cỏ trên ruộng súp lơ mới trồng, ông Chử Văn Tuấn bảo từng nghĩ sẽ đổi đời khi chuyển hướng sang trồng rau VietGAP, nhưng giờ không còn mơ tới điều đó. Làm rau an toàn chi phí đầu vào ngang với sản xuất rau bình thường, nhưng vất vả hơn, nhổ cỏ hay bắt sâu chủ yếu thủ công; làm đất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải được sự cho phép từ phía hợp tác xã.
Vậy nhưng đến khi thu hoạch, rau không được lên kệ siêu thị, phải bán ra chợ giống như rau bình thường. "Rõ ràng mình trồng rau an toàn VietGAP nhưng giá lại không tương xứng với công sức bỏ ra và giá trị thật của rau. Thật sự xót xa, giống đem viên cương bán ra chợ đen", ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Văn Thắng, người trồng rau ở xã Văn Đức, kể nhiều hôm mang rau có tem mác VietGAP ra chợ bán, nhưng lại bị hoài nghi. Nhiều người nghĩ là rau ế, đưa vào siêu thị không được nên mang ra chợ bán. "Chúng tôi phải tháo tem mác, bao bì để bán như rau bình thường. Người ta bán 1.000 đồng thì chúng tôi cũng phải bán như vậy, rất thiệt thòi", ông Thắng nói.
Theo bà Đinh Thị Luyến, Phó giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Văn Đức, rau an toàn của xã đã vào các siêu thị lớn ở Hà Nội và bán cao hơn ngoài chợ khoảng 3.000 đồng/kg. Nhưng siêu thị không tiêu thụ được nhiều, mỗi ngày mỗi nơi chỉ khoảng 2 tấn, trong khi lượng rau của Văn Đức rất lớn, khoảng 50 tấn/ngày.
Vì thế người dân phải mang rau ra ngoài chợ hoặc bán cho thương lái và đa số bỏ tem mác, bỏ đóng gói theo 300, 500 gram như ở siêu thị để tiết giảm chi phí, công sức. Bản thân các thương lái khi mua rau ở các chợ đầu mối cũng sẽ chọn hàng rẻ hơn, chứ không ham rau VietGAP.
Bà Luyến cho rằng việc rau Văn Đức phải bỏ tem mác để bán ra chợ là nghịch lý, gây thiệt thòi cho nông dân và cả người tiêu dùng. Vì người tiêu dùng cũng khó phân biệt được đâu là rau an toàn khi mua ở ngoài chợ. "Chúng tôi mong có chính sách để giúp bà con tiêu thụ rau VietGAP, như liên kết được với các bếp ăn, trường học, khu công nghiệp", bà Luyến nói.
Ông Chú Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ghi nhận tình trạng rau VietGAP phải bán giá chợ như ở Văn Đức. Với vai trò quản lý, Sở đã chủ động giới thiệu vùng rau an toàn cho các siêu thị. Tuy nhiên, siêu thị nhập rau hạn chế vì bán không có lãi. Người dân mua rau ở chợ 5.000 đồng, vào siêu thị 10.000 đồng nên họ chọn mua bên ngoài. "Rau sáng tươi, chiều héo. Nếu không bán được trong ngày thì hôm sau rau sẽ hỏng nên siêu thị chủ yếu bán rau cho phong phú, chứ không mặn mà", ông Mỹ nói.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nói việc rau an toàn bán giá chợ có thể khiến chí tiến thủ của người sản xuất bị suy giảm. Hiện đầu ra rau an toàn bị nghẽn, trong đó chủ yếu nằm ở việc số kệ, số siêu thị đáp ứng chỉ 15% hàng tươi sống (trong đó 7% là dành cho rau xanh), còn lại 85% là chợ dân sinh và cửa hàng rau. Ngoài ra, một số siêu thị đòi chiết khấu cao, có nơi lên tới 30% khiến người sản xuất rau an toàn không có lãi.
Hiện Hà Nội có hơn 23.000 ha trồng rau, sản lượng 533.000 tấn mỗi năm. Ngoài Văn Đức, một số nơi như Yên Mỹ (Thanh Trì), Thanh Đa (Phúc Thọ)... cũng trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP.
Phạm Chiểu