Chiều 10/1, cánh đồng rau làng La Cả (xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, Hà Tây) rộn rã tiếng cười của người nông dân. Những cụm cải ngọt, rau bí xanh mướt, mỡ màng.
Tẩn mẩn cắt từng cây cải ngọt để sớm mai đưa lên các chợ đầu mối Hà Nội, chị Thu cho hay, vườn rau nhà mình không đẹp bằng "hàng xóm" vì không dùng thuốc. “Rau muống và rau bí, mắt thấy tai nghe gia đình tôi không dám ăn. Trước khi đem ra chợ bán, họ phun thuốc kích thích, sau hai đêm, ngọn dài ra, mơn mởn", chị Thu nói.
Người phụ nữ này cho biết thêm, gia đình chỉ ăn những loại rau tự trồng. Nếu thèm loại rau khác phải sang hàng xóm "đặt hàng" rau sạch trước.
Nông dân tất bật chuẩn bị đưa rau lên Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Nhiều nông dân xã Dương Nội khẳng định, với thời tiết hiện nay, nếu không dùng thuốc kích thích rau sẽ khô cằn, nhiều sâu bệnh, rất khó bán. "Người mua nhìn bằng mắt không thể phát hiện được, hơn nữa họ lại thích rau xanh mướt. Mùi vị của rau chẳng khác là bao so với loại không phun thuốc", một nông dân nói.
Chỉ vào ruộng rau bí, rau muống xác xơ gần đó, chị khoe: "Nhà này chưa có thời gian đi chợ bán rau. Lúc nào chuẩn bị bán, họ ra ngoài đầu ngõ mua ít thuốc kích thích về là rau đẹp ngay".
Tại nhà chị Toán (xóm Thống Nhất, xã Dương Nội), chiếc tủ kính cũ kỹ bày la liệt thuốc trừ sâu, giống cây trồng. Thấy khách hỏi thuốc kích thích rau quả, chủ nhà nhanh nhẹn đeo khẩu trang ra lục tìm trong tủ.
Vài phút sau, trước mặt khách đã có hàng chục loại kích thích tăng trưởng. Theo lời chủ hiệu, muốn an toàn và nhanh nên dùng loại của Pháp, Nhật. Các loại thuốc nội tác dụng không mạnh.
Thấy khách vẫn chưa ưng ý, bà chủ rỉ tai: "Hôm trước còn loại cực mạnh của Trung Quốc nhưng vừa hết hàng, chú muốn mua ra chỗ chợ làng ấy. Cẩn thận, loại ấy độc lắm".
Các loại thuốc kích thích Trung Quốc có tác dụng "cực mạnh" với rau, quả. Ảnh: Tuấn Anh. |
Không quá khó khăn, tại chợ làng, phóng viên VnExpress đã mua được loại thuốc như mô tả của chị Toán. Vỉ thuốc vỏ màu vàng giá 4.500 đồng, ghi toàn tiếng Trung Quốc, nhỏ như vỉ bột canh đi kèm trong gói mỳ tôm. Mỗi hộp có 50 vỉ.
Cô chủ quán ở chợ làng hướng dẫn, trước khi pha vào nước lã phải đổ thuốc vào một chén rượu trắng để hòa tan. "Phun vừa thôi nhé, nhiều quá rau mọc nhanh không kịp hái đấy".
Ngoài loại thuốc hòa cùng rượu còn có loại sủi với giá 6.000 đồng cũng ghi toàn bằng tiếng Trung Quốc. Theo lời quảng cáo, "viên sủi" vừa tiện dụng, hiệu quả không kém loại hòa cùng rượu.
Các chủ hiệu thuốc cho hay, thuốc kích thích Trung Quốc có công dụng trên rất nhiều sản phẩm rau, quả, đặc biệt là những loại rau thân dài như rau muống, rau bí. Tuy nhiên, khi được hỏi về độ an toàn của những loại thuốc này, các chủ hiệu đều không trả lời được.
Theo Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông Hà Nội Đỗ Thanh Minh, vẻ bề ngoài rau sạch thường không bóng bẩy láng mướt như loại vẫn được phun thuốc kích thích. Lá và thân hơi cứng, ít có vẻ mơn mởn. Các loại rau cải thường vẫn có những lỗ do sâu gây ra
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, tình trạng dùng thuốc kích thích ngoài danh mục để “thúc” rau mọc nhanh xuất hiện từ lâu tại một số khu vực trồng rau ở khu vực ngoại thành Hà Nội và Hà Tây.
"Ngay tại mô hình trồng rau an toàn của chi cục, rau bí phát triển rất kém với thời tiết này, ngọn cứ rụt hết vào. Trong khi đó, các chợ bán ngọn bí mập, dài như rau mùa hè", bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, do bao bì thuốc tăng trưởng bằng tiếng Trung Quốc nên không biết hết được các hoạt chất trong thuốc. "Chúng tôi chưa kết luận chúng ảnh hưởng như thế nào đối với con người. Nhưng rau đã dùng thuốc kích thích là có hại cho sức khỏe".
Bà Hoa khẳng định, các máy ozone bán ngoài thị trường chỉ có tác dụng rửa bên ngoài, không thể sục được vào các mô, tế bào của rau, quả đã nhiễm thuốc.
Tuấn Anh - Nguyễn Hưng