So với một tháng trước đây, nhiều loại rau, củ trong nước hiện đã tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp ba. Chẳng hạn như rau muống từ 8.000 đồng/bó (1kg) hiện đã lên 15.000 - 17.000 đồng/kg, xà lách từ 25.000 đồng/kg đã lên đến 80.000 đồng/kg… Bất chấp giá rau củ trong nước tăng phi mã, rau củ có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn đứng giá, chỉ một số ít chủng loại tăng giá, nhưng mức tăng không đáng kể. Ví dụ: cà rốt có giá 13.000 đồng/kg, nay tăng thêm 2.000 đồng/kg; khoai tây từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg, tỏi giữ giá 25.000 đồng/kg… Giá hầu hết những loại rau, củ này thấp hơn từ 10.000 - 30.000 đồng/kg so với hàng hóa từ các tỉnh đưa về chợ.
Nếu như ở các chợ đầu mối có sự phân biệt rõ ràng rau củ Trung Quốc với rau củ trong nước, nhưng khi về tới các chợ lẻ thì như nhau.
Tại một số chợ lẻ khu vực nội thành TP HCM như Thanh Đa, Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)… hầu hết các tiểu thương đều khẳng định là bán hàng trong nước, tuy nhiên nếu đem đối chiếu với mức giá tại các chợ đầu mối thì có thể biết được họ đang bán hàng có nguồn gốc từ đâu. Thông thường giá bán tại chợ lẻ cao hơn chợ đầu mối từ 40 - 60%, và có thể gấp đôi.
Hành tây được sơ chế tại chợ đầu mối trước khi đưa về chợ lẻ. |
Chẳng hạn, khoai tây Đà Lạt tại chợ Bình Điền có giá 35.000 đồng/kg, khoai Trung Quốc chỉ có 15.000 đồng/kg. Tại các chợ nội thành, mặt hàng này có giá phổ biến là 38.000 - 40.000 đồng/kg. Nếu lấy khoai Đà Lạt cộng với công vận chuyển, mặt bằng, phí chợ… chắc chắn những tiểu thương này sẽ chẳng thể bán với giá như vậy. Thậm chí, trong khi các chủ vựa tại các chợ đầu mối khẳng định một số mặt hàng như hành tây hiện không có hàng trong nước, vì từ tháng 11 mới vào vụ, nhưng tiểu thương ở nhiều chợ lẻ vẫn bán hàng... Đà Lạt.
Do giá rau củ trong nước và Trung Quốc chênh lệch nhiều nên lượng hàng đưa từ Trung Quốc về nhiều hơn, tập trung vào các mặt hàng: khoai tây, cà rốt, bắp cải, xúp lơ, nấm…
Theo nhiều tiểu thương tại khu nhà lồng B, chợ đầu mối Tam Bình (quận Thủ Đức, TP HCM), các loại rau củ Trung Quốc có những khác biệt nhất định so với rau củ trong nước. Một số loại như nấm (đông cô, kim châm) hàng Trung Quốc gần như độc quyền nên dễ nhận biết, ngoài ra có thể căn cứ vào hình dạng, màu sắc hay chênh lệch mùa thu hoạch giữa hàng trong nước với hàng Trung Quốc để phân biệt.
Chẳng hạn, cà rốt Đà Lạt thường củ nhỏ hơn, màu sẫm, có những vệt đen, da không nhẵn bóng, tươi như hàng Trung Quốc và cuống loại củ này thường được giữ lại trung bình khoảng 10cm, trong khi cà rốt Trung Quốc thì bị cắt sát cuống vào đầu thân củ nhằm tiết kiệm diện tích để vận chuyển được nhiều hơn. Khoai tây Đà Lạt củ nhỏ, xù xì hơn so với khoai Trung Quốc. Hành tây Đà Lạt chỉ có nhiều khi vào vụ từ tháng 11 âm lịch đến Tết Nguyên đán, trong khi hàng Trung Quốc thì gần như có quanh năm...
Theo Phụ nữ