From: Đo Quyên
Sent: Wednesday, October 08, 2008 3:15 PM
Đọc ý kiến bàn luận của các anh chị về đàn ông Việt Nam tôi thấy có nhiều quan điểm rất đáng suy nghĩ. Chắc chắn những nhận xét thẳng thắn của chị Trúc Quỳnh, chị Brantner Vân, anh Loyd Trần, chị Nguyễn Thu Hằng, chị Trâm Anh… sẽ khiến cho không ít người đọc là đàn ông Việt Nam cảm thấy tức giận.
Những người bất đồng quan điểm có thể cho rằng do các anh chị ấy sống nhiều năm ở nước ngoài nên có tâm lý sùng ngoại. Cứ tạm coi cách giải thích trên là đúng. Nhưng với tôi, một người chưa từng rời khỏi đất nước mình, cũng không có bạn bè, đồng nghiệp nào là người ngoại quốc, lại đang “sở hữu” một anh chồng Việt rất tuyệt thì nhìn trước, ngó sau tôi vẫn thấy thất vọng về đàn ông nước mình.
Tại sao như vậy? Không nói đâu xa, tôi xin được kể một chút về những người đàn ông tôi biết, những người sống quanh tôi.
Nguời thứ nhất là ông nội tôi. Ông nội tôi là một người đẹp trai, hào hoa, phong nhã. Nhưng cái hào hoa, phong nhã đó của ông chỉ dành cho những người tình. Tuổi trẻ của ông là những tháng ngày say mê với người đẹp. Đến khi có gia đình, ông vẫn không bỏ được tính trăng hoa. Và tất nhiên, bà nội tôi đã không ít lần vì ông mà rơi nước mắt.
Không chỉ ngoại tình, ông còn về nhà đánh đập, ruồng rẫy vợ con. Nếu bà tôi có tỏ ra ghen tuông hoặc cự nự gì thì thể nào trong nhà cũng xảy ra xô xát. Nhẹ thì bà bị ông tát, nặng thì bà bị ông đánh đến mức phải đi nhà thương. Về kinh tế, ông hầu như không đóng góp chút gì cho vợ nuôi con vì tiền bạc ông làm ra dành để bao bồ nhí hết.
Một mình bà tôi thức khuya dậy sớm để nuôi 5 con và phụng dưỡng mẹ chồng bị lú lẫn. Đến khi ông tôi đã già và mắc bệnh ung thư thì ông lại trở về nhà để xin bà tha thứ. Giống như nhiều phụ nữ Việt Nam khác cả đời cam chịu, tần tảo, hy sinh… bà một lần nữa lại tha thứ cho ông để cuối đời ông có người sớm hôm chăm sóc.
Người thứ hai tôi muốn nói đến là bố tôi. Không giống như ông nội, bố tôi là một người chung thuỷ và cả đời bố có lẽ chỉ biết đến một người đàn bà duy nhất là vợ mình. Cũng không giống ông, bố chưa từng bao giờ đánh chửi vợ con mà lúc nào cũng ôn hoà, từ tốn. Con cái có điều gì sai trái chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo chứ không quát tháo, nặng lời. Bố tôi không rượu chè, không cờ bạc, không trai gái…nhưng 30 tuổi bố đã “nghỉ hưu” và từ đó đến giờ không còn làm việc.
Khi ở nhà, bố cũng hiếm khi phụ giúp vợ con làm việc gì. Chuyện cơm nước, giặt giũ hay dọn dẹp nhà cửa đã có vợ và con gái lo. Thời gian rảnh của bố chỉ để đi cà phê với bạn và làm những việc phục vụ sở thích cá nhân (vẽ tranh, trồng cây…). Cứ như vậy trong hàng chục năm, bố không làm ra tiền nhưng con cái vẫn lớn, vẫn được nuôi ăn học đàng hoàng, vẫn có nhà đẹp để ở và tiện nghi hiện đại để xài là nhờ vợ một tay đảm đang thu vén.
Có lần tôi hỏi mẹ “Mẹ có bao giờ buồn vì bố không đi làm không?”. Mẹ tôi trả lời là “Nhân vô thập toàn, bố con không cờ bạc, không rượu bia, không lăng nhăng với cô này cô khác là được”. Có lẽ trong suy nghĩ của mẹ, lấy được người chồng như bố là tốt lắm rồi.
Đến lượt tôi, khi lớn rồi tôi cũng đi lấy chồng. Khác với bà gặp toàn bất hạnh, khác với mẹ không được hưởng niềm vui trọn vẹn thì tôi rất hạnh phúc và mãn nguyện trong cuộc hôn nhân của mình. Có thể nói, tôi đã may mắn khi kết hôn với chồng tôi. Anh là một người tuyệt vời đến mức mà ở nhà tôi vẫn gọi đùa là “anh Tây”, trong khi anh ấy là một người đàn ông Việt Nam thứ thiệt.
Chồng tôi không hút thuốc lá, không nghiện rượu bia, không la cà quán xá và từ khi lập gia đình cũng chỉ biết đến vợ mình. Ở công ty, chồng tôi là người có vai vế, công việc kinh doanh khiến anh ấy phải giao tế rất nhiều. Nhưng cách làm việc của anh cũng giống người nước ngoài, không có chuyện đi từ A đến Z với đối tác để đổi lấy hợp đồng công việc.
Dù vợ chồng đều bận việc công ty, không ở cùng bố mẹ và lại đang có con nhỏ, nhưng chồng tôi không muốn thuê người giúp. Thời gian tôi nằm viện, một mình anh thức đêm để trông, để giúp vợ làm những việc cá nhân mà khi đó tôi không thể tự mình làm được. Hằng đêm, chồng tôi vẫn cùng vợ dậy lọ mọ pha sữa cho con. Ban ngày, hết thời gian làm việc, thay vì đi nhậu thì anh trở về nhà để giúp vợ.
Đối với anh việc rửa bát, lau nhà, đổ rác, phơi gấp quần áo, thay tã, giặt đồ cho con... là những việc rất bình thường. Anh làm việc đó với thái độ vui vẻ, tự nguyện và không nề hà bất cứ điều gì. Nếu được rủ đi vui chơi, du lịch ở đâu đó mà không có vợ con đi cùng thì anh cũng không bao giờ đi. Ngày lễ Tết, ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm của vợ chồng, anh không bao giờ quên và luôn chủ động tạo cho vợ những niềm vui bất ngờ.
Với anh, tôi chưa từng phải bận tâm về các mối quan hệ khác giới của chồng. Anh làm gì, đi đâu, gặp ai, có công việc đột xuất nào không về nhà ngay được thì vợ đều được biết. Trong cách đối xử với gia đình và bạn bè của vợ, chồng tôi cũng hết sức nhiệt tình. Con người anh coi trọng tình cảm hơn là vật chất phù du. Dù có dư về tiền bạc thì anh cũng không chạy theo hình thức.
Nói chung ở chồng mình, tôi thấy hội tụ nhiều ưu điểm của đàn ông phương Tây. Nếu so sánh với thế hệ của bà tôi, của mẹ tôi, thậm chí với những người bạn đồng thế hệ với tôi, thì tôi biết chắc chắn những người đàn ông Việt Nam giống chồng tôi và có thể trở thành niềm tự hào của vợ con mình không có nhiều.
Đó là những người đàn ông trong gia đình gần gũi với tôi nhất, còn nhìn rộng ra ngoài xã hội, tôi thấy một hiện tượng không mới, nhưng xảy ra khá phổ biến mà đa phần nam giới mắc phải là hiện tượng ngoại tình. Nơi tôi làm việc cũng vậy. Nhiều đồng nghiệp nam tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi ăn “phở”. Ai ai cũng biết điều đó nhưng không ai nói ra hoặc tỏ vẻ ngạc nhiên cả, vì có lẽ chuyện đó được coi là bình thường.
Tôi đem câu chuyện này nói lại với một số bạn nam của tôi thì ngỡ ngàng nhận được câu trả lời: “Ôi dào, bà này lạc hậu quá. Thiên hạ người ta nhan nhản ra đấy, mình không làm thì phí hoài tuổi thanh xuân, về già lại ân hận”, hoặc “Nói đâu xa, đừng ngạc nhiên nhé, bạn bà (là tôi đây này) cũng đang có phở”. Tôi thật không thể hiểu nổi.
Tôi chưa từng sống ở nước ngoài cũng không có bạn bè, người thân nào là người ngoại quốc, nhưng qua tìm hiểu hoặc do nghe các anh chị kể lại tôi thấy xã hội của họ thật tự do, thoải mái, nhưng trong khuôn khổ. Khi một người đang trong tình trạng độc thân, họ có thể yêu thoải mái, không giới hạn. Tuy nhiên, khi đã dựng xây tổ ấm, họ lại rất trân trọng và gìn giữ tổ ấm đó, trừ một số ít trường hợp bất khả kháng. Nhưng ở Việt Nam chúng ta, tôi thấy tình hình như ngược hẳn lại. Không ít người vợ phải chịu đựng sự phụ bạc, vũ phu, thói nghiện ngập, lười nhác, phù phiếm, thích hư danh và vô vàn tật xấu khác của chồng.
Bản thân tôi đang có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với một người chồng Việt, cũng như các chị em gái khác tìm thấy hạnh phúc với những người chồng ngoại quốc muốn nói về tính xấu của đa số đàn ông Việt Nam không với mục đích chê bai, vọng ngoại mà thực sự mong góp một tiếng nói nhằm giúp nam giới nước mình thay đổi để mỗi người đàn ông Việt Nam thực sự trở thành chỗ dựa vững chãi và là niềm tự hào, kiêu hãnh của vợ con mình.