![]() |
Một "bánh mì" trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. |
Phú kể, quê anh ở Bến Tre, lên TP HCM gần chục năm nay làm nghề bốc vác ở cảng Cát Lái (quận 2). Những lúc đói hàng, Phú lên đây đi khách. “Có đêm không được cắc bạc nào, có đêm vô mánh được mấy trăm nghìn nhưng rồi cũng hết...”, anh thổ lộ. Thuê nhà tại đường Tân Thuận Đông (quận 7), hằng ngày Phú cuốc bộ “đi làm”. Một số người chung phòng trọ với anh nói: “Anh Phú hỗ trợ cho tụi em nhiều lắm, từ các vật dụng trong nhà cho đến chuyện chia sẻ việc làm ở cảng. Anh phải nuôi cha mẹ già dưới quê nên cực lắm. Chỉ mỗi tội hay... đi chơi khuya”. Nghe vậy, ánh mắt Phú chợt buồn, nét mặt đầy sự dằn vặt.
Tâm trạng của Phú cũng giống một số “bánh mì” khác, nhất là những sinh viên mới vào nghề, hoặc cực chẳng đã phải ra đứng đường. Sinh, ĐH Luật, thường đón khách tại công viên Văn Lang, bộc bạch: “Mỗi lần đến trường, gặp bạn bè vui đùa hồn nhiên, em cảm thấy ghê tởm chính mình. Từ đĩ đực vang lên xoáy nhức cả óc, ám ảnh mãi”.
Bên cạnh những trường hợp còn biết dằn vặt, đau khổ vì ý thức được việc làm không đúng của mình và tìm cách làm lại cuộc đời, vẫn còn không ít “bánh mì” tỏ ra an phận, hoặc ngựa quen đường cũ. Có người coi đây là một nghề nhàn hạ, dễ làm giàu nên đã lôi kéo bạn bè, người thân cùng đứng đường như mình. Thậm chí, một số “bánh mì” đã cuỗm đồ đạc, tư trang của khách. Tình trạng bắt nạt, chèn ép và tranh giành địa bàn hoạt động giữa các "bánh mì" cũ và mới thỉnh thoảng lại diễn ra.
Không có chứng cứ để bắt
Ông Phạm Văn Thành, Đội trưởng Tham mưu tổng hợp, Công an quận 1, bức xúc: “Đối tượng gái mại dâm đứng đường đã và đang làm cho chúng tôi phải tổn hao rất nhiều công sức truy bắt, hiện nay lại phải nhức đầu thêm về nạn bánh mì và cả những pê đê giả dạng diễn trò lừa bịp, gây án hằng đêm trên các tuyến đường trọng điểm...”. Còn theo đại úy Hoàng Khắc Hợi, Phó Trưởng công an phường Bến Nghé, quận 1, thì riêng địa bàn phường này mỗi tối thu gom có thể lên tới 10 "bánh mì", song chỉ tạm giữ 24 giờ, kiểm tra giấy tờ tùy thân, phạt hành chính rồi phải thả họ về chứ rất khó dẹp bỏ được triệt để.
Cùng quan điểm trên, công an phường 9, quận 5, cho biết, khi bắt những "bánh mì", công an chỉ có thể ghép họ vào tội tụ tập quấy rối mất trật tự công cộng, phạt hành chính, có khi giam giữ và chụp hình răn đe vì thiếu các chứng cớ. Điều đó chứng tỏ mặt trận chống tệ nạn mại dâm nam còn lỏng lẻo, dường như còn bỏ ngỏ, ít được chú trọng. Trong khi đó, những đối tượng này và cả giới pê đê đã và đang ngấm ngầm gây ra không ít hậu quả xấu về mặt xã hội và đạo đức. Nhiều "bánh mì" khẳng định, khi đi "dù" họ chẳng màng tới các dụng cụ tự bảo vệ mình và khách. Mức độ lây nhiễm các căn bệnh về đường tình dục là khá cao và khó kiểm soát.
Đánh giá về hiện tượng "bánh mì" xuất hiện trên các địa bàn TP, nhà xã hội học Nguyễn Thị Oanh nói: “Trai bao hay gái bao là chuyện muôn thuở, có điều kiện là nó bùng phát. Trước kia thì hiếm hoi và kín đáo, nay thì lộ liễu, bạo dạn. Mỗi người có quyền sống như mình lựa chọn. Tuy nhiên chắc chắn các chàng trai khỏe mạnh nếu nghĩ lại sẽ không hãnh diện gì khi kiếm sống bằng nghề này. Các chị khách hàng cũng không nên nghĩ đến cách thỏa mãn tình dục bằng một dịch vụ tức khắc và tạm thời để làm vơi những uẩn khúc, cô đơn. Bởi cả hai bên đều có thể nhiễm HIV/AIDS".
(Theo Thanh Niên, 23/6)