Theo thống kê của Cục Điện ảnh, đến năm 2010, cả nước có 105 tên rạp, gồm 205 phòng chiếu với tổng số 50.667 ghế. Trong đó có 156 phòng chiếu hiện đại được xây dựng mới hoặc nâng cấp. Trong khi đó, rạp do Nhà nước quản lý là 72 rạp, gồm 104 phòng chiếu với 26.279 ghế ngồi. Hệ thống rạp chủ yếu là các rạp đơn lẻ, trang thiết bị lạc hậu, xuống cấp trầm trọng, hoạt động cầm chừng.
Việc phát hành phim hiện nay do 3 hãng Megastar, Thiên Ngân, BHD thâu tóm. |
Nhà nước ì ạch đổi mới
“Với số lượng rạp chiếu không phải ít, rất nhiều rạp còn được nằm ở vị trí trung tâm thành phố, nhưng cơ sở vật chất xuống cấp nặng nề, cũ kỹ. Không có nguồn phim, hệ thống rạp chiếu phim nhà nước tại một số tỉnh thành hầu như tê liệt, không cụm rạp nào phát triển được, ngoại trừ Trung tâm chiếu phim Quốc gia là một cụm rạp hiện đại với 6 phòng chiếu”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Điện ảnh Sài Gòn, cho biết.
Buồn hơn nữa là dù biết mười mươi là việc chiếu phim kinh doanh hiện nay gặp nhiều khó khăn, do thiết bị máy móc lạc hậu không phù hợp. Vậy mà năm 2010, Trung tâm Điện ảnh, sách của tỉnh Cao Bằng do ông Nguyễn Văn Long làm giám đốc đã đề nghị tỉnh cấp kinh phí sửa chữa nhưng đến nay vẫn chưa được cấp.
Ông Mai Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội cũng đưa ra ví dụ cụ thể từ thực tế của công ty ông. Đó là hệ thống rạp chiếu bóng chưa đồng bộ, kinh phí đầu tư cải tạo luôn khan hiếm. Hiện tại, với 5 phòng chiếu, ngoài những bộ máy hiện tại do công ty đầu tư để phù hợp với xu thế xã hội ngày càng phát triển cũng như nhu cầu xem phim ngày càng cao của khán giả thì những bộ máy thường còn lại công ty vẫn phải khắc phục và duy trì hoạt động. Nhiều nhà rạp phải chuyển đổi hình thức kinh doanh và hoạt động do không duy trì được việc chiếu phim.
Một nguyên nhân khác nữa là, nhà nước không nắm trong tay các cụm rạp lớn nên không thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ văn hóa, đặc biệt là nhiệm vụ định hướng khán giả tới một thị hiếu thẩm mỹ điện ảnh lành mạnh.
Tư nhân tự do hét giá?
Trong khi phần lớn các rạp chiếu nhà nước có cũng gần như không thì các rạp tư nhân lại nắm thời cô này để mở rộng. Với số lượng rạp chiếu hiện đại ngày càng tăng là điều đáng mừng, khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, với giá vé quá cao như hiện nay khiến không ít khản giả rất muốn được xem những bộ phim mình thích phải… ngước nhìn từ xa. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc phát hành phim hiện nay do 3 hãng Megastar, Thiên Ngân, BHD thâu tóm. Các "đại gia" này bán vé xem phim khá cao và ép các rạp khác muốn phát hành phim (như Trung tâm chiếu phim quốc gia, Dân Chủ...) của họ phải bán giá đó.
Chẳng hạn như rạp Megastar với giá vé phim 3D dao động từ 100.000 đồng/vé đến 180.000 đồng/vé, phim 2D từ 40.000 đồng/vé đến 80.000 đồng/vé. Đây là mức giá khá cao so với thu nhập trung bình của người dân và chỉ chấp nhận được đối với nhóm đối tượng có thu nhập khá. Biết là giá cao như vậy, nhưng với mong muốn được xem những bộ phim bom tấn mà khán giả phải chấp nhận bỏ ra một số tiền khá lớn. Trong khi đó, Nhà nước nắm trong tay nhiều rạp chiếu phim nhưng lại không chịu đầu tư phát triển mà cứ để theo kiểu “sống chết mặc bay”. Đó là một nghịch lý mà người chịu thiệt chính là khan giả.
Ông Phạm Văn Họa - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Fafim Việt Nam cho biết, hiện nay, ngành điện ảnh không có vai trò trong việc định giá vé xem phim, đồng thời không quản lý được lượt người xem, doanh thu thông qua vé xem phim. Đây là lỗ hổng lớn cần được ngành quan tâm. Chính vì thế, theo ông Họa, nếu như ngành không tham gia quản lý vé xem phim thì khó có thể nắm bắt được thực trạng mạng lưới chiếu phim để có thể điều tiết giúp khán giả không phải lo lắng móc “hầu bao” mỗi khi đến rạp.
(Đất Việt)