Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm các KCX-KCN TP HCM, cho biết, năm 2008, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các KCX-KCN TP HCM là 40.000, tập trung vào các ngành: điện, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, hóa chất, chế biến thực phẩm, may mặc. 60% trong tổng nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các ngành điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí. Tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, nhu cầu tuyển lao động các ngành điện, điện tử, hóa chất, cơ khí cũng tăng vọt. Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, năm 2008, các khu công nghiệp trên địa bàn cần tuyển 50.000 người. Thu hút nhân lực nhiều nhất vẫn là các KCN Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom... Trong tổng nhu cầu, các ngành điện, điện tử, cơ khí, hóa chất chiếm 40% (tăng 10% so với năm trước). Tại Bình Dương, trong tổng 22.000 nhân công được tuyển dụng trong năm 2008, lao động kỹ thuật có trình độ tay nghề chiếm gần 25% (tăng 5% so với năm trước), tập trung chủ yếu ở các ngành điện, điện tử, hóa chất. Lao động có tay nghề: Yêu cầu cấp bách Ông Đào Ngọc Hoàng, Trưởng Phòng Chính sách lao động Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, cho biết, nếu như năm 2007, lao động kỹ thuật chỉ chiếm 30% thì năm nay lao động này tăng lên 40%. Ngoài đội ngũ lao động có trình độ đại học, cao đẳng, công nhân kỹ thuật có tay nghề hoặc mới tốt nghiệp trường nghề trở thành mục tiêu tìm kiếm của doanh nghiệp. Theo bà Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Phòng Quản lý lao động các KCN Bình Dương, lao động có tay nghề không chỉ được các doanh nghiệp săn lùng mà còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, như hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, tạo điều kiện về phương tiện đi lại cùng nhiều chính sách phúc lợi khác. Ông Đào Ngọc Hoàng cho rằng chính vì nhu cầu cấp thiết đối với lao động kỹ thuật mà thu nhập bình quân của lao động có tay nghề đã tăng 10%-15%. Đối với lao động trình độ trung cấp, doanh nghiệp phải trả lương 2 triệu đồng một tháng và với kỹ sư phải trên 3 triệu đồng một tháng. (Theo Người Lao Động) |