Từ hàng cà phê vốn được xếp vào dạng lấn chiếm vỉa hè lòng lề đường này, từ hàng cà phê cứ năm ngày phải tháo chạy trước sự truy đuổi của lực lượng trật tự đô thị này, bà mua được căn nhà nhỏ ở quận 10, dựng vợ gả chồng cho con. Một người con của bà tốt nghiệp đại học.
Quốc lộ 13, Quận Bình Thạnh. Người đàn bà bán bún buổi sáng, khách ngồi ăn trên chiếc đòn nhựa, thấp lè tè, không có bàn. Khách đông nghẹt, đa phần là dân lao động. Xì xụp từ 6h đến tầm 8h30 thì tan quán, thu dọn quang gánh. Buổi chiều, người đàn bà khác tiếp quản đoạn vỉa hè này để bán hủ tíu gõ, 10 nghìn một tô, khách cũng đông nghẹt.
Đường Phạm Ngọc Thạch, đoạn giao cắt với đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Quán cà phê sang trọng, quán rượu thiên vương sang trọng, xe gắn máy trên vỉa hè, xe ôtô để dưới lòng đường. Tất nhiên, đó là xe của thực khách.
Vỉa hè ở Sài Gòn chưa bao giờ thuộc về người đi bộ. Một nền kinh tế được tạo từ vỉa hè hay vỉa hè là tiền đề của một bộ phận kinh tế Sài Gòn là thực tế không thể chối bỏ.
Khi UBND phường 1, Quận 5 dựng lên một hàng rào sắt dài 500m với mục tiêu “bảo vệ an toàn cho người đi bộ” và “hạn chế hàng rong”, rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Nhiều người nghi ngại về hiệu quả của chúng, như tôi, nhưng nhiều người đang ngợi khen cái hàng rào ấy - với vai trò của một giải pháp chống hàng rong.
Vài đoạn hàng rào inox dựng lên để ngăn chặn, tiêu diệt nền kinh tế bản năng ấy chỉ là giải pháp tạm bợ. Tôi cảm thấy sợ nếu mô hình này được tôn vinh và nhân rộng. Rất dễ nhận ra rằng việc lấn chiếm vỉa hè không liên quan đến cái hàng rào - nó xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính cái đô thị này, từ nhu cầu mưu sinh đến nhu cầu của các thực khách, người tiêu dùng. Chúng ta vốn đã có thiết chế để ngăn chặn việc lấn chiếm lề đường bằng biện pháp cưỡng chế, từ công an phường đến các đội dân phòng, nhưng thực tế diễn ra thế nào thì ai cũng đã nhìn thấy.
Sài Gòn là điển hình của quy hoạch theo trào lưu của các đô thị tại nước ta. Một quy hoạch cuống cuồng, vội vã với tính chất đối phó hơn là sự định hướng bền vững hướng đến tương lai. Nhưng là trung tâm kinh tế xã hội lớn nhất đất nước, Sài Gòn trở thành niềm hy vọng, đích đến cho tất cả những cá nhân vì mưu sinh bắt buộc phải xa quê. Họ đang chiếm lấy vỉa hè theo cách riêng, bên cạnh những cá nhân kinh doanh dịch vụ đã chiếm vỉa hè từ rất lâu.
Việc cần làm ngay ở Sài Gòn theo tôi là quy hoạch lại các khu dịch vụ ở những quận trung tâm thí điểm với điều kiện bắt buộc về bãi giữ xe, mặt bằng theo quy định. Giải quyết nhu cầu nội tại của chính thị trường - bởi lấn chiếm vỉa hè đâu chỉ có những người bán hàng rong, mà còn cả các nhà hàng lớn không biết để xe khách ở đâu và bao nhiêu thành phần kinh tế khác. Sau đó mới có thể tuyên chiến với vỉa hè một cách kiên quyết đầy kinh nghiệm, bằng chứng cứ thực tiễn, chứ không vội vàng và thuần ý chí như hiện tại.
Tôi tiên liệu rằng, sự quy hoạch này sẽ chạm phải phản ứng khủng khiếp vì quyền lợi đặc hữu không kém một cuộc chiến. Nhưng biết làm sao được vì sự phát triển nào không đi kèm cơn giận dữ của một nhóm người.
Ngô Nguyệt Hữu