Cảnh sát Kosovo hôm nay xác nhận cửa khẩu đã chính thức được mở lại. Bên phía Serbia, ôtô và xe tải xếp hàng chờ thông quan.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố dỡ bỏ chướng ngại vật sau lời kêu gọi của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm leo thang căng thẳng. "Rào chắn sẽ được dỡ bỏ, nhưng sự ngờ vực vẫn còn", ông Vucic nói trong cuộc gặp với các đại diện người Serb ở Kosovo gần biên giới hôm 28/12.
Căng thẳng bùng phát sau khi giới chức Kosovo ngày 10/12 bắt cựu cảnh sát người Serb Dejan Pantic, cáo buộc liên quan đến các vụ tấn công nhằm vào cảnh sát người Albania. Cộng đồng người Serb ở Kosovo đã tổ chức biểu tình, dựng rào chắn để phản đối.
Một số vụ tấn công nhằm vào cảnh sát Kosovo và lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế xảy ra. Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic ngày 26/12 thông báo Tổng thống Vucic đã lệnh cho quân đội nước này chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Một tòa án ở Pristina ngày 28/12 ra phán quyết Pantic được ra tù và chịu quản thúc tại nhà, động thái góp phần hạ nhiệt căng thẳng. Kosovo trước đó cũng đã đề nghị lực lượng gìn giữ hòa bình Kosovo (KFOR) của NATO hỗ trợ.
Tính đến sáng 29/12, tình hình ở phía bắc Kosovo đã ổn định, trong khi lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu đang tuần tra. Hai xe tải được sử dụng làm rào chắn trên cây cầu ở thị trấn điểm nóng Mitrovica bị đốt cháy trong đêm, song chưa rõ nguyên nhân.
Kosovo có diện tích khoảng 10.800 km2, là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia, có đa số dân là người Albania. Khu vực này tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 với sự hậu thuẫn của phương Tây, sau cuộc chiến tranh năm 1998-1999, trong đó NATO đã can thiệp để bảo vệ các nhóm người Albania.
Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối.
Kosovo có khoảng 1,8 triệu dân. Một số thống kê trước đây cho thấy có khoảng 120.000 người Serb sống tại miền bắc Kosovo, trong khi ước tính gần đây cho thấy khoảng 50.000 người thuộc nhóm dân tộc này sinh sống tại đây. Nhóm người này không công nhận chính quyền ở Pristina, thay vào đó trung thành về mặt chính trị với Serbia, nước vẫn cung cấp hỗ trợ tài chính cho họ.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)