Ông Shinjiro Koizumi, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản, đầu tháng 1/2020 đã tạo nên một làn sóng tranh cãi khi thông báo sẽ nghỉ phép hai tuần để chăm sóc đứa con mới chào đời.
Đây là bộ trưởng đầu tiên của Nhật Bản làm như vậy bất chấp nước này đã có những chính sách khuyến khích các ông bố nghỉ thai sản có trợ cấp của chính phủ và thời gian cho phép lên tới một năm. Theo ông Koizumi, sự thay đổi này là cần thiết ở một đất nước chỉ 6% người bố thực hiện điều này.
Nhật Bản không phải là nước duy nhất có chính sách này. Hàn Quốc cũng đang cải thiện các điều kiện khuyến khích người cha "nghỉ thai sản" qua đó tăng tỷ lệ sinh, giảm áp lực dân số già.
Tại Hàn Quốc, khi thời gian nghỉ tối đa tăng từ một năm lên hai năm, số nam giới nghỉ thai sản đã tăng từ 1.400 người năm 2011 lên hơn 22.000 người trong năm 2019. Người nghỉ sẽ được trả 80% tổng lương trong 3 tháng đầu tiên, tối đa lên đến 1,5 triệu won (hơn 1.200 USD), tối thiểu là 700.000 won (khoảng 570 USD) mỗi tháng. Từ tháng thứ tư, nếu người bố vẫn nghỉ chăm con sẽ được trả 40% tổng lương, với số tiền tối đa nhận được là 1 triệu won (820 USD) và tối thiểu 500.000 won mỗi tháng.
Ngoài tiền lương, luật nghỉ thai sản cũng quy định người chồng nhận được khoản tiền thưởng lên tới 2,5 triệu won (2.100 USD) trong ba tháng đầu nghỉ thai sản để cùng chăm con với bạn đời.
Bất chấp điều kiện nghỉ thai sản của các bậc cha mẹ đã được cải thiện về cả thời gian lẫn mức chi trả, nhiều người vẫn tỏ ra rất ngại ngùng và không muốn sử dụng quyền lợi của họ.
Ông Yi Sang-gu, chủ tịch Hiệp hội Phúc lợi xã hội Hàn Quốc cho rằng, rào cản lớn nhất là "văn hóa Nho giáo định hình việc người phụ nữ ở nhà chăm con, trong khi đàn ông đến nơi làm việc kiếm tiền". Tuy nhiên điều này không đúng trong xã hội ngày nay khi cả vợ và chồng đều phải kiếm tiền và nó đã dẫn đến sự xung đột giữa nhu cầu gia đình và định kiến xã hội.
Lee Y. G, một nhà nghiên cứu 32 tuổi sống tại Yongin, Hàn Quốc đã dành 6 tháng để chăm con, khi người vợ sinh đứa con thứ ba vào tháng 10 năm ngoái. Anh chia sẻ: "Vợ tôi khá ổn với việc chăm đứa con đầu và thứ hai, nhưng tôi chắc chắn cô ấy cần sự giúp đỡ khi có con thứ ba. Tôi quyết định làm điều đó để những đứa trẻ có những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu". Mặc dù công ty của Lee rất thông cảm và tạo điều kiện nhưng Lee thấy chỉ có hai người đàn ông khác nghỉ như anh.
Khác với gia đình Lee, nhiều cặp vợ chồng khác lựa chọn nghỉ thai sản không trùng thời điểm với nhau để kéo dài thời gian ở bên con. Ví dụ như cô Song Hak Min, 31 tuổi, đã xin nghỉ 9 tháng sau khi sinh con đầu lòng, trong khi chồng cô quyết định xin nghỉ để chăm con sau khi vợ quay trở lại công ty. Song cho biết: "Rất nhiều người xung quanh chúng tôi, đặc biệt là gia đình đã đặt câu hỏi là tại sao chồng tôi cũng cần phải nghỉ làm. Tuy nhiên, chúng tôi chẳng có lựa chọn nào khác, vì xung quanh chẳng ai có thể giúp chúng tôi chăm sóc con".
Thông thường, ông bà giúp con cái chăm sóc những đứa trẻ khi bố mẹ chúng phải đi làm. Nhưng đối với Bae Ga Yeon, 30 tuổi, đây không phải là lựa chọn thích hợp vì bố mẹ chồng cô không khỏe mạnh và họ còn đang đi làm. Tuy nhiên, chồng cô không thể nghỉ chăm con thay vợ bởi chính những định kiến về việc người cha nghỉ thai sản tại công ty của anh. Cuối cùng, Bae quyết định nghỉ việc khi nhận thấy không thể cân bằng giữa công việc và bổn phận chăm sóc con. Cô nói: "Công ty không cho phép tôi giảm giờ làm nếu tôi trở lại công sở, họ cũng không có nguồn lực để thay thế vị trí của tôi khi tôi không có ở đó. Thế nên tốt nhất là nghỉ việc".
Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Hàn Quốc, tỷ lệ người bố nghỉ thai sản quay trở lại công việc ở các công ty lớn duy trì ở mức 87,4%, trong khi với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, con số này chỉ là 69,5%. Sự vi phạm các chính sách nghỉ thai sản, ví dụ như sa thải người lao động hoặc đối xử tệ bạc... chỉ vì việc sử dụng kỳ nghỉ thai sản đã tăng từ 101 trường hợp (năm 2016) lên 265 trường hợp (năm 2018). Một số công ty thậm chí từ chối cho phép nhân viên nam nghỉ thai sản.
Theo ông Yi Sang-gu, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn như bắt buộc người lao động nam nghỉ một số tháng nhất định để chăm sóc con cái. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, trẻ em cần phải phát triển nhận thức từ khi còn nhỏ về sự thay đổi vai trò giới trong xã hội. Ý thức đàn ông cũng nên chăm sóc con cái ở nhà nên được nhấn mạnh trong sách giáo khoa ở trường học, hoặc trong các quảng cáo dịch vụ công cộng của chính phủ.
Ngoài ra, cũng cần có thêm các bộ phim, chương trình truyền hình đề cập đến lợi ích của việc người cha chăm sóc con cái, biến khái niệm này thành một phần của văn hóa đại chúng.
Ông cũng ước tính sẽ mất từ 5-10 năm để sự kỳ thị những người cha nghỉ thai sản giảm bớt, khi các vấn đề xã hội khác trong quá khứ được tháo gỡ theo thời gian.
Trên thực tế, các chương trình truyền hình như Bố ơi mình đi đâu thế?, hay Siêu nhân trở lại tại Hàn Quốc từng tạo ra sự chú ý quanh việc người bố chăm sóc trẻ, thông qua việc theo chân người cha và con của họ trong các hoạt động đời thường, hoặc trong các chuyến đi. Hai show truyền hình này ra mắt năm 2013, là khoảng thời gian số lượng đàn ông nghỉ chăm con bắt đầu tăng từ 1.402 (năm 2011) lên 3.421 vào năm 2014.
Tỷ lệ nam giới nghỉ thai sản ở Hàn Quốc đạt 13,4% năm 2017. Con số này khá nhỏ so với tỷ lệ 45% ở Thụy Điển, 40,8% ở Na Uy, và 24,9% ở Đức. Tất cả các nước châu Âu đều có văn hóa chia sẻ việc nuôi dạy con cái.
Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn đang dẫn đầu châu Á trong các chính sách bố nghỉ thai sản.
Thùy Linh (Theo SCMP)